Quân đội Israel phủ nhận có cuộc bao vây tại bệnh viện Al-Shifa và nhiều lần cáo buộc Hamas sử dụng các cơ sở y tế làm trung tâm chỉ huy và nơi ẩn náu – một cáo buộc mà nhóm chiến binh Palestine phủ nhận.
Đấu súng và pháo kích diễn ra không ngừng nghỉ
Các cuộc đấu súng và bắn phá dữ dội xung quanh khu nhà diễn ra khi Israel tiến sâu vào Thành phố Gaza trong cuộc tấn công nhằm tiêu diệt Hamas trên lãnh thổ mà phiến quân này đang cai trị.
Một nhân chứng giấu tên cho biết: “Việc đấu súng không bao giờ dừng lại, các cuộc không kích cũng như đạn pháo không hề suy giảm. Có hàng chục thi thể xung quanh khu phức hợp mà không ai có thể tiếp cận được”.
Mặc dù hàng chục nghìn người đã chạy trốn khỏi cuộc giao tranh nhưng nhiều người vẫn phải trú ẩn trong các bệnh viện ở phía bắc Gaza, nơi liên tục bị tấn công bởi các vụ nổ và tiếng súng.
“Bệnh viện bị bao vây, không có lựa chọn nào để đưa các thi thể và những người bị thương nằm ngổn ngang bên ngoài. Không có sự di chuyển nào ra vào bệnh viện”, các bác sĩ vì Nhân quyền Israel dẫn lời các bác sĩ tại bệnh viện Al-Shifa.
Nhóm bác sĩ Israel cho biết thêm, do thiếu điện, phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh đã ngừng hoạt động và 2 trẻ sinh non đã tử vong, khiến tính mạng của 37 trẻ khác gặp nguy hiểm.
Ann Taylor, người đứng đầu sứ mệnh Lãnh thổ Palestine của tổ chức từ thiện y tế Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết: “Tình hình ở Al-Shifa thực sự rất thảm khốc”.
Theo số liệu mới của Israel, số người thiệt mạng trong vụ các chiến binh Hamas tràn qua biên giới tấn công Israel vào ngày 7/10 được điều chỉnh giảm từ 1400 xuống 1200 người, chủ yếu là dân thường và bắt khoảng 240 người làm con tin.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế ở Gaza do Hamas điều hành, chiến dịch tấn công của Israel đã giết chết hơn 11.000 người, chủ yếu là dân thường và hàng nghìn trẻ em.
Sự đau khổ ở Gaza đã thúc đẩy ngày càng nhiều lời kêu gọi ngừng giao tranh trong 5 tuần để bảo vệ mạng sống dân thường và cho phép viện trợ nhân đạo vào lãnh thổ đông dân cư.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Israel có quyền tự vệ, nhưng kêu gọi nước này ngừng tấn công dân thường ở Gaza và nói rằng “không có lý do chính đáng nào” cho việc đó.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản bác, nói rằng trách nhiệm về mọi tổn hại đối với dân thường thuộc về Hamas. Ông nói: “Israel làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh làm hại dân thường và kêu gọi họ rời khỏi khu vực chiến sự”.
Tình trạng hoảng loạn ở các bệnh viện
Ngoài các cuộc đụng độ xung quanh Al-Shifa, tình hình còn nghiêm trọng ở các bệnh viện khác ở phía bắc Gaza, nơi người Palestine phải tìm nơi ẩn náu khỏi các cuộc đấu súng và bắn phá dữ dội.
Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết giao tranh xung quanh bệnh viện Al-Quds đã tạo ra “tình trạng hoảng loạn và sợ hãi tột độ” đối với những người phải di dời đang trú ẩn ở đó.
Giám đốc bệnh viện Indonesia cho biết việc thiếu nhiên liệu buộc cơ sở này phải cắt điện đối với nhà máy khử muối, máy quét y tế và thang máy. Atef Al-Kahlot cho biết: “Bệnh viện chỉ đang hoạt động với 30-40% công suất”.
Một cậu bé bị thương tại bệnh viện Indonesia, Youssef Al-Najjar, cho biết cậu đang chờ phẫu thuật nhưng các máy móc cần thiết đã ngừng hoạt động do thiếu điện. “Cháu rất khát nhưng không được phép ăn uống cho đến khi ca phẫu thuật hoàn tất”, cậu bé nói.
Cơ quan nhân đạo OCHA của Liên hợp quốc cho biết 20 trong số 36 bệnh viện ở Gaza “không còn hoạt động”.
Giao tranh đã biến một số đường phố ở Gaza thành đống đổ nát. Thi thể của khoảng 50 người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào trường Al-Buraq ở Thành phố Gaza đã được đưa đến bệnh viện Al-Shifa, theo giám đốc bệnh viện cho biết vào thứ Sáu.
Israel hôm thứ Bảy cho biết lực lượng của họ đã tiến hành một cuộc không kích vào trường học khiến một chỉ huy đại đội Hamas thiệt mạng, cáo buộc nhóm này sử dụng dân thường làm “lá chắn sống”.
Cuộc di cư về phía nam Gaza đã chứng kiến hàng chục nghìn người chạy trốn trong những ngày gần đây. Theo OCHA, ước tính có thêm 30.000 người Palestine đã đi về phía nam thông qua hành lang sơ tán do quân đội Israel mở vào thứ Sáu.
Tuy nhiên, cơ quan Liên hợp quốc cho biết, “một số vụ nổ đã được ghi nhận tại ‘hành lang’ đó, dẫn đến tử vong và bị thương”. Theo Cơ quan về người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), gần 1,6 triệu người đã phải di dời kể từ ngày 7 tháng 10 – khoảng 2/3 dân số Gaza.
Huy Hoàng (theo AFP, Reuters, AP)