Các nhà khoa học phát hiện cây hoa bia ở những nước sản xuất bia lớn của châu Âu như Đức, Cộng hòa Czech và Slovenia đang chín sớm hơn và cho sản lượng ít hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Một cánh đồng trồng cây hoa bia ở Đức. (Nguồn: CNN) |
Hiện tượng này xuất hiện từ năm 1994 và cho tới nay ngày càng nghiêm trọng. Với sản lượng hoa bia sụt giảm, ngành công nghiệp sản xuất bia châu Âu đang bị đe dọa.
“Có lẽ đáng báo động nhất đối với những người yêu thích uống bia trên thế giới, đó là viễn cảnh bắt đầu mất đi món đồ uống yêu thích của mình”, ông Miroslav Trnka, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thay đổi toàn cầu (CH Czech) nói.
Theo nghiên cứu được công bố hôm 31/10 trên tạp chí Nature Communications, sản lượng hoa bia có thể giảm tới 18% vào năm 2050 và hàm lượng axit alpha – chất khiến bia có vị đắng đặc trưng – có thể giảm tới 31% do thời tiết trở nên nóng và khô hơn.
Ngày càng nhiều đe dọa
Ông Miroslav Trnka, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, những phát hiện này bổ sung vào danh sách ngày càng nhiều những điều mà khủng hoảng khí hậu có thể gây ra.
“Chúng tôi nhận thấy những thay đổi tác động đến cả những thứ như hương vị của bia”, ông Trnka nói.
Theo nghiên cứu, sản xuất bia đã xuất hiện ít nhất từ năm 3100 trước Công nguyên. Hiện nay, mỗi thành phần cơ bản để sản xuất ra bia như: nước, lúa mạch, men và hoa bia đều đang bị đe dọa bởi sự nóng lên toàn cầu.
Ông Douglass Miller, giảng viên cao cấp về quản lý thực phẩm và đồ uống tại Đại học Cornell (Mỹ), cho biết: “Tôi không ngạc nhiên về việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến một số lượng lớn cây nông nghiệp.
Hoa bia là loại cây khó trồng và có thể xảy ra mất mùa, điều này có thể khiến các nhà sản xuất bia phải chuyển sang sử dụng các loại nguyên liệu khác”.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thời tiết và mô hình khí hậu để phân tích xem hoa bia châu Âu bị ảnh hưởng như thế nào do biến đổi khí hậu trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2050, trong điều kiện lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng.
Theo nghiên cứu, từ năm 1970 đến năm 2018, nhiệt độ nóng lên làm thời điểm bắt đầu mùa trồng hoa bia sớm lên khoảng 13 ngày. Sự phát triển của chồi mới của cây hoa bia thường xảy ra vào mùa Xuân, nhưng kể từ năm 1995, các nhà nghiên cứu nhận thấy điều này xảy ra sớm hơn so với những năm trước.
Sự khởi phát này lại khiến các vụ thu hoạch sớm, gây khó khăn cho người trồng hoa bia trong việc lên kế hoạch cho các hoạt động thu hoạch và chế biến.
Theo nghiên cứu, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người tiêu dùng yêu thích hương vị bia đòi hỏi hoa bia chất lượng cao. Vì những loại hoa bia này chỉ mọc được ở một số nơi, nên các nhà nghiên cứu cho biết chúng sẽ gặp nguy cơ cao hơn trong điều kiện các đợt nắng nóng và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra.
Ông Mark Sorrells, Giáo sư tại Trường Khoa học thực vật của Đại học Cornell, cho biết: “Nông dân trồng hoa bia đã phải thay đổi vị trí các cánh đồng trồng hoa bia để ứng phó với những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, và điều này có thể sẽ tiếp tục”.
Trong khi nghiên cứu này tập trung vào các nước trồng cây hoa bia ở châu Âu, ông Trnka cho biết rủi ro có thể xảy ra ở các khu vực trồng hoa bia ở nước Mỹ, nơi các đợt nắng nóng kỷ lục đang xảy ra thường xuyên hơn bình thường.
“Nông dân Mỹ đang đối mặt với những vấn đề tương tự ở châu Âu. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cả hai nơi theo cách rất giống nhau”, ông Trnka nói.
Áp lực cho ngành nông nghiệp
Không chỉ cây hoa bia ở châu Âu, ngành nông nghiệp châu Á cũng đang phải chịu những áp lực không nhỏ do biến đổi khí hậu.
Theo Reuters, hiện tượng thời tiết El Nino khiến tháng Tám vừa qua trở nên khô hạn bất thường. Thời tiết khắc nghiệt đã gây thiệt hại cho sản lượng ngũ cốc và các loại cây cho hạt lấy dầu ở châu Á.
Lượng mưa thấp kỷ lục ở Ấn Độ đã làm giảm sản lượng các loại cây trồng chính như lúa gạo. Theo dự báo của các nhà khoa học, trong năm 2023, lượng mưa đi theo gió mùa ở Ấn Độ, vốn rất quan trọng đối với các loại cây trồng như lúa gạo, mía, đậu nành và ngô, có nguy cơ thấp nhất trong tám năm qua.
Tại Đông Nam Á, lượng mưa thấp được dự đoán sẽ tác động đến chu kỳ sinh trưởng và sản lượng của các loại cây trồng chủ lực như lúa, mía, cà phê, và có thể làm giảm nguồn cung dầu cọ – loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
Thái Lan và Indonesia là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nhất. Nhiều vùng trồng lúa trọng điểm ở Thái Lan đã phải giảm diện tích canh tác để tránh thiệt hại do nắng nóng và khô hạn. Chính phủ Indonesia thông báo kế hoạch chuẩn bị 500.000ha để trồng lúa gạo, đề phòng hạn hán kéo dài do tác động của El Nino.
Ông Chris Hyde, nhà khí tượng học tại công ty phân tích dữ liệu khí hậu Maxar Technologies (Mỹ), cho biết: “Chúng ta đang chịu tác động mạnh mẽ của El Nino ở một số nơi trên thế giới và nó sẽ mạnh lên vào cuối năm nay. Các kiểu thời tiết ở châu Á sẽ tương quan với điều kiện El Nino khô hạn”.
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, mưa đá… mà còn cho thấy tác động hiển hiện và áp lực lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp thế giới, đòi hỏi nỗ lực của các quốc gia cùng chung tay góp sức kiềm chế những tác động tiêu cực của nó.