Chuột túi không phải loài bản địa nên không được phép thả ra môi trường, trong khi trung tâm cứu hộ của nhà nước nguồn lực hạn chế, khó có thể nuôi chúng suốt đời.
Ngày 11/11, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, phát hiện thêm một con chuột túi ở ngoài tự nhiên, nâng tổng số lên 4. Tất cả bị nhóm buôn lậu vứt lại trên đường vận chuyển trái phép qua biên giới. Trong khi chờ xác minh nguồn gốc, chúng được nuôi nhốt tại Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An, sau đó sẽ bàn giao về Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Lào Cai).
Kiểm lâm Cao Bằng chưa biết xử lý thế nào với 4 con chuột túi vì loài này chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam, thông tin về loài rất hạn chế.
Một số chuyên gia cho biết loài bắt được ở Cao Bằng là chuột túi wallaby, hay còn gọi kangaroo mini, có nguồn gốc từ Australia. Con trưởng thành nặng khoảng 30 kg, chiều dài thân tính cả đuôi 1,8 m. Trong danh mục của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuột túi wallaby không phải loài ngoại lai xâm hại.
Theo Điều 10 Thông tư số 29/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng, động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp nhà nước, có 5 hình thức xử lý gồm: Thả lại về môi trường tự nhiên; cứu hộ; chuyển giao cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành; bán và cuối cùng tiêu hủy.
Tuy nhiên, 4 con chuột túi không phải loài bản địa nên không được phép thả về môi trường tự nhiên. Chúng đang khỏe mạnh, chưa có biểu hiện dịch bệnh nên không thuộc diện cứu hộ hay tiêu hủy. Một chuyên gia cứu hộ động vật cho biết chuột túi wallaby là dòng ngoại lai nên không thuộc loại được ưu tiên cứu hộ. Nếu chuyển chúng về Trung tâm cứu hộ ở Lào Cai phải rất thận trọng trong việc cách ly và kiểm tra dịch bệnh, tránh lây nhiễm chéo sang các động vật khác.
Đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho rằng không nên thả động vật ngoại lai ra tự nhiên. Trung tâm cứu hộ thuộc nhà nước nếu muốn nuôi dưỡng phải có nguồn lực tốt, có chuồng nuôi… do phải nuôi tới cuối đời. “Các trung tâm cứu hộ ở Việt Nam đều không dư dả, nuôi thêm loài này sẽ làm hao tổn nguồn lực”, vị này nói, cho rằng tốt nhất nên đưa chuột túi về vườn thú bán hoang dã (safari).
Dù không được phép nhập về Việt Nam, khoảng 5 năm trở lại đây, chuột túi wallaby được một số trang trại đưa về theo đường tiểu ngạch và bán lại cho những người có nhu cầu làm cảnh, thả trong sân vườn rộng hoặc trong các khu sinh thái. Năm 2018, một trang trại ở huyện Thanh Trì, Hà Nội nhập về khoảng 10 con, thuần hóa và cho sinh sản.
Phạm Chiểu