Các tổ chức y tế và y khoa toàn cầu đã gửi thư ngỏ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên hợp (COP28) nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Người dân tìm nước dưới đáy hồ Puraquequara ở bang Amazonas, Brazil ngày 6/10/2023. (Nguồn: AFP) |
Thông tin trên được Bộ trưởng Công nghiệp Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Sultan Ahmed Al Jaber cho biết hôm 11/11.
Nội dung các thư ngỏ này cũng đồng thời nhấn mạnh các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra đang dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Các tổ chức ký tên vào thư ngỏ trên bao gồm Hiệp hội Y khoa Thế giới và Hiệp hội Nhi khoa quốc tế, với tổng số thành viên là khoảng 46,3 triệu người. Bên cạnh đó, bức thư cũng nhấn mạnh cuộc họp sắp tới của COP28 phải giải quyết nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng khí hậu là việc tiếp tục khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài các tác động đến sức khỏe con người liên quan đến khí hậu, bức thư còn chỉ ra rằng ô nhiễm không khí một phần do đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hằng năm và chính phủ các nước có thể giảm bớt gánh nặng từ các bệnh như ung thư, bệnh tim và thần kinh, cùng nhiều bệnh khác bằng cách cải thiện chất lượng không khí.
Các nhà lãnh đạo y tế thế giới cũng chỉ trích ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch vì đã cản trở hành động về khí hậu tại các cuộc đàm phán của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), đồng thời nhấn mạnh rằng ngành này cần chấm dứt chiến dịch vận động kéo dài hàng thập kỷ của mình.
Thư ngỏ cũng cho rằng việc duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong mục tiêu 1,5 độ C của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe tốt và thịnh vượng kinh tế cho tất cả mọi người.
Hội nghị COP28 sẽ diễn ra từ ngày ngày 30/11-12/12 tới tại thành phố Dubai của UAE. Hội nghị lần này dự kiến sẽ lần đầu tiên chứng kiến sự tham gia của Giáo hoàng Francis, giáo hoàng đầu tiên tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc.