Chiều 11/11, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào năm 2023”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Triển vọng hợp tác báo chí, truyền thông Việt Nam – Lào: Thách thức và giải pháp”.
Tham dự tọa đàm có các đại biểu Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam cùng lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, đại diện Đại sứ quán Lào, hai tỉnh Salavan, Sekong và Hãng Thông tấn Lào.
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố. Đời sống bà con dân tộc thiểu số khu vực biên giới còn hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin về kinh tế, thương mại. Tọa đàm là dịp các đại biểu thảo luận, tìm biện pháp nhằm nâng cao đời sống của bà con vùng biên giới cũng như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của họ.
Tại tọa đàm “Triển vọng hợp tác báo chí, truyền thông Việt Nam – Lào: Thách thức và giải pháp”.
Tại buổi tọa đàm, các khách mời đã được lắng nghe các chuyên gia, nhà quản lý truyền thông của hai nước chia sẻ về vấn đề: Chuyển đổi số báo chí và một số kinh nghiệm ở Việt Nam; Kinh nghiệm xử lý tin giả ở Việt Nam; Nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam – Vietnam.vn – điển hình về áp dụng công nghệ trong thông tin đối ngoại; Kết quả hợp tác Việt Nam – Lào trong đào tạo báo chí, truyền thông; Thách thức của thông tin, truyền thông Lào trong bối cảnh hiện nay; Triển vọng hợp tác Lào – Việt về thông tin và truyền thông; Hỗ trợ quản lý xã hội thông qua công cụ thông tin và truyền thông.
Chia sẻ về chuyển đổi số báo chí và một số kinh nghiệm ở Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đặng Khắc Lợi cho hay, báo chí Việt Nam đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trước những ảnh hưởng, thách thức mới, thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí đồng thời thay đổi quan trọng nhận thức, thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.
Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu Lào cho biết: Báo chí Lào hiện nay có 113 ấn phẩm; 168 đài phát thanh đã được phát sóng qua vệ tinh và Internet, chiếm 100% diện tích cả nước và nhiều nước trên thế giới nghe được, hiện nay đài còn có thể phát sóng qua hệ thống truyền thông trực tuyến. Ngoài ra, Đài Phát thanh Quốc gia còn phát sóng các chương trình bằng tiếng Việt.
Lào có tổng cộng 49 đài truyền hình, ở cấp Trung ương có 4 đài, 3 đài tư nhân, 3 đài quốc tế, 4 đài mạng trung ương và 29 đài địa phương, trong đó 3 đài vẫn phát sóng trên mặt đất, up-link qua vệ tinh; một số tỉnh đang phát sóng qua truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số và 6 đài kỹ thuật số; Ngoài ra còn có văn phòng đại diện báo chí của Việt Nam tại Lào như VTV, TTXVN, VOV… Ngoài ra còn có đài quân đội, truyền hình quân đội, truyền hình bảo vệ hòa bình, báo quân đội, báo bảo vệ hòa bình. Còn truyền thông tư nhân thì có Laostra TV, Memv Lao.
Thông qua những góc nhìn của các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu hai nước, tọa đàm đã cung cấp thêm thông tin hữu ích, gợi mở những giải pháp thiết thực để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người dân vùng biên; để thông tin và truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đường biên giữa các tỉnh biên giới Việt Nam và Lào.