Chế biến vốn không chỉ là một bài toán khó đối với ngành nông nghiệp nước ta, mà còn là niềm mong mỏi, khát vọng để nâng cao giá trị nông sản, gia tăng giá trị cho nông sản. Sản lượng rau quả của cả nước hiện nay khoảng 31 triệu tấn mỗi năm, nhưng tỉ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12%-17%. Do không được chế biến, nhiều nông sản của nước ta vốn dĩ rất chất lượng nhưng phải bán đổ, bán tháo, xuất khẩu với giá rẻ mạt hoặc phải đổ bỏ do không thể để lâu. Thấm thía nỗi đau đó, có một doanh nhân đã hàng chục năm nay miệt mài, lăn lộn tìm cách chế biến sâu nông sản, nâng cao giá trị và đưa nhiều nông sản Việt Nam thâm nhập các thị trường khó tính nhất trên thế giới, trong đó có những sản phẩm đang chiếm tới 60% thị phần thế giới.
“Tôi gắn bó với nông nghiệp như số phận vậy, đi đâu thấy đất đai nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp là rất say sưa, rất đam mê. Cho đến giờ có thể nói cả cuộc đời tôi gắn liền với nông nghiệp và dành cho nông nghiệp”- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Đinh Cao Khuê mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Và có lẽ, nhờ đam mê ấy, nhờ sự theo đuổi dài lâu và tâm huyết ấy mà đã có một DOVECO lớn mạnh như ngày hôm nay. Sở hữu hơn 5.500ha đất canh tác và 13.000ha đất liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã đưa DOVECO trở thành doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau quả theo chuỗi giá trị khép kín có quy mô lớn nhất cả nước với những cánh đồng dứa, chanh leo, vải, chuối, xoài, thanh long, sầu riêng, ngô ngọt, đậu tương, rau chân vịt, hành, hẹ,… bạt ngàn trải dài từ bắc vào Tây Nguyên rộng lớn. Hiện nhiều sản phẩm của DOVECO đã chiếm lĩnh thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….
Phóng viên: Thưa ông, lâu nay chế biến sâu là một lĩnh vực khó với ngành nông nghiệp Việt Nam, vậy lý do nào khiến ông lựa chọn “con đường khó” ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp? Cũng như nguyên nhân nào để ông lựa chọn châu Âu- một trong những thị trường được đánh giá là có yêu cầu cao bậc nhất thế giới- để phát triển các sản phẩm của mình?
Ông Đinh Cao Khuê: Tôi đi khảo sát thị trường thực phẩm thế giới từ khá sớm, cách đây 30- 40 năm để xem thị trường cần cái gì, mà tìm hiểu thị trường thì chủ yếu đến hội chợ. Các hội chợ thế giới không phải trưng bày, bán vài sản phẩm mà chính là nơi những ông chủ doanh nghiệp gặp nhau, trao đổi về các hợp đồng đã ký, về các sản phẩm mới, theo đó có thể đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán ngay tại hội chợ.
Những chuyến đi liên tục đó khiến tôi nhận thấy thị trường thực phẩm đồ uống thế giới rất đa dạng và nhiều tiềm năng, nhất là châu Âu. Thị trường đồ uống chế biến ở châu Âu sôi động tựa như thị trường lúa gạo của châu Á. Đối với thị trường Nam Mỹ cũng vậy. Châu Âu và Nam Mỹ đồ uống rất quan trọng, ngay cả trong lúc kinh tế khó khăn thì thị trường đồ uống ở khu vực này vẫn tăng.
Cũng nhờ tiếp xúc với hầu hết các các tập đoàn kinh doanh về đồ uống từ trái cây trên thế giới thì tôi thấy đồ uống của Việt Nam rất có vị thế. Thí dụ như các sản phẩm chế biến từ chanh leo, sầu riêng…, hiện giờ Việt Nam đều có khả năng chi phối thị trường.
Bên cạnh đó, châu Âu cũng là thị trường có yêu cầu về chất lượng rất cao. Đây chính là thách thức đồng thời sẽ là động lực để Công ty làm đúng, làm tốt, làm chuẩn chỉ ngay từ đầu. Cụ thể như khi các đối tác châu Âu sang đánh giá chất lượng tại DOVECO, họ không chỉ kiểm tra về sản xuất, về sản phẩm đâu, mà họ kiểm tra cả toilet, nơi làm việc, ăn ở của công nhân,…
Ngoài ra châu Âu còn có các điều kiện về sử dụng lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội… Mới đây nhất là các quy định về chống phá rừng. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu phải không được liên quan đến việc trồng trọt, sản xuất trên đất phá rừng.
Do đó, doanh nghiệp phải có sơ đồ vùng trồng, và khi kiểm tra, các đối tác châu Âu có thể đến tận vùng trồng “mục sở thị”, thậm chí đến từng hộ dân trồng để kiểm tra… Tôi luôn xem sự khắt khe đó là điều kiện để DOVECO phát triển bền vững.
Phóng viên: Xin ông cho biết các sản phẩm xuất khẩu chính của DOVECO hiện nay và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới?
Ông Đinh Cao Khuê: Sản phẩm chính của DOVECO là chanh leo. Đây là sản phẩm có thế mạnh của DOVECO, được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, trồng ở độ cao 700- 800m so với mực nước biển nên cây chanh leo phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Hiện, chanh leo Việt Nam chiếm tới 60% thị phần chanh leo thế giới, có thể điều chỉnh giá thành chanh leo thế giới, trong khi trước đây vai trò này thuộc về các nước Nam Mỹ như Peru, Ecuador. Việt Nam cũng đã vượt qua các quốc gia Nam Mỹ về trồng và xuất khẩu chanh leo.
Ngoài ra, DOVECO còn có sản phẩm truyền thống là dứa tươi nguyên chất và các loại nước ép trái cây khác như: chuối tươi, đào tươi, lạc tiên… Bên cạnh đó là các sản phẩm đóng hộp như ngô hạt, ngô ngọt nghiền…; các sản phẩm đông lạnh: dứa, xoài, vải cùi, vải nguyên quả… và các loại trái cây tươi khác. Thời gian vừa qua, DOVECO cũng thu mua và xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Đây là loại trái cây có sức cạnh tranh lớn với kim ngạch xuất khẩu và khả năng chiếm lĩnh thị trường rất cao.
Phóng viên: Thưa ông, việc xây dựng vùng nguyên liệu có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của DOVECO nói riêng và các doanh nghiệp chế biến nông sản nói chung?
Ông Đinh Cao Khuê: Vùng nguyên liệu chính là yếu tố được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu trước khi xây dựng nhà máy chế biến nông sản bởi chỉ khi đủ nguyên liệu thì nhà máy mới có thể hoạt động ổn định, thường xuyên, lâu dài và hiệu quả.
Thí dụ tại tỉnh Bắc Giang, nông sản thu hoạch chủ yếu là quả vải, tuy nhiên quả vải ở đây chỉ đủ công suất cho dây chuyền hoạt động khoảng 2 tháng, các loại cây trồng khác chưa đủ khối lượng để đưa vào chế biến.
Tương tự tại tỉnh Sơn La cũng mới chỉ có một số loại rau quả có vùng nguyên liệu đáp ứng công suất nhà máy hoạt động, trong đó có cây xoài. Tuy nhiên, sản lượng xoài ở Sơn La cũng chỉ đáp ứng sản xuất khoảng 2 tháng. Do đó, để duy trì hoạt động thường xuyên, các doanh nghiệp bắt buộc phải tìm mới, trồng mới thêm vùng nguyên liệu.
DOVECO tham dự Hội chợ Foodex Nhật Bản 2023
Phóng viên: Theo ông, đâu là lời giải cho bài toán vùng nguyên liệu?
Ông Đinh Cao Khuê: Với kinh nghiệm sản xuất thực tế, để có nguồn nguyên liệu ổn định đáp ứng cho sản xuất, mỗi nhà máy chế biến như DOVECO cần có vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 25.000- 30.000ha.
Tuy nhiên ở Việt Nam khó có doanh nghiệp nào sở hữu diện tích nông nghiệp sẵn có lớn như vậy. Một trong những phương án giải quyết hiệu quả cho vấn đề này là có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp với địa phương thông qua các hình thức khác nhau.
Thứ nhất là liên kết sản xuất với các hợp tác xã kiểu mới theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ. Các hợp tác xã sẽ sản xuất theo yêu cầu chất lượng của doanh nghiệp liên kết. Thứ hai là liên hệ với các nông trường, lâm trường trồng cà-phê, hồ tiêu, cao su, những nông trường có các loại cây trồng kém hiệu quả để doanh nghiệp thuê đất trồng xen các loại rau quả ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo, chuối, ngô ngọt…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm gian hàng của Công ty tại Lễ hội cà phê Sơn La năm 2023
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022- 2025?
Ông Đinh Cao Khuê: Đề án này nhằm thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sẽ khắc phục được hạn chế hiện nay về vấn đề nguyên liệu, góp phần thực hiện liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ.
Tuy nhiên, mặc dù có vùng nguyên liệu thì cũng không nên xây dựng nhà máy chế biến theo kiểu tỉnh nào cũng làm để tránh hiện tượng tranh mua tranh bán vì thiếu nguyên liệu. Như hiện nay việc xây dựng các nhà máy chế biến cà-phê tại Sơn La cũng cần xem xét kỹ dưới góc nhìn kinh tế vì diện tích cà-phê của Sơn La chỉ khoảng 20.000ha trong khi tại Tây Nguyên, diện tích cà-phê lên đến 500.000ha mà có nhà máy chế biến còn chưa hoạt động hết công suất.
Phóng viên: Là một doanh nghiệp điển hình về hoạt động liên kết sản xuất với nông dân khắp các miền, vậy có khi nào DOVECO gặp tình trạng “bẻ kèo” trong liên kết hay không và giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?
Ông Đinh Cao Khuê: DOVECO hiện đều liên kết với nông dân thông qua hợp tác xã. Tại Tây Nguyên, chúng tôi liên kết với 20 hợp tác xã, cung cấp nguyên liệu theo yêu cầu của mình. Tại Sơn La cũng vậy, các hợp tác xã là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho doanh nghiệp. Có nhiều hợp tác xã đang cung cấp lượng lớn nguồn nguyên liệu cho DOVECO. Cụ thể như hợp tác xã Trung Hiếu (Sơn La) cung cấp khoảng 700 tấn ngô trong vòng 1- 2 tháng; đặc biệt có hợp tác xã ở Tây Nguyên từ đầu năm đến nay cung cấp cho chúng tôi 40 tỷ đồng tiền hàng nguyên liệu. Đây là con số rất lớn.
Về những khó khăn, hạn chế trong liên kết với nông dân thì có lẽ doanh nghiệp nào cũng ít nhiều gặp phải. Riêng hiện tượng “bẻ kèo”, trước đây Công ty cũng có gặp nhưng giờ gần như không có. Nguyên nhân là DOVECO có cơ chế xây dựng lòng tin với nông dân thông qua việc bảo đảm lợi ích. Cụ thể như Hợp tác xã Trung Hiếu, vụ vừa rồi họ cung cấp 700 tấn ngô, 400 tấn đậu tương rau, và Công ty thanh toán tiền kịp thời với giá thành bảo đảm. Khi nông dân có lợi nhuận thì mọi việc rất thuận lợi và càng liên kết sâu sẽ càng ổn định.
Chế biến xoài tại DOVECO Sơn La.
Ngoài ra một điều quan trọng khi làm với nông dân là trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải nhận phần thiệt về mình để giữ chữ tín. Ví dụ ngay thời điểm này tại Lai Châu, Công ty ký với các hộ dân trồng chanh leo giá 12.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giá xuống chỉ còn 5.000- 6000 đồng/kg thì chúng tôi vẫn mua với giá 12.000 đồng/kg như đã ký.
Làm thế người dân mới tin mình và hợp tác lâu dài, hiệu quả được. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có lợi ích dài hơi ở đó. Đó là khi nông dân tin tưởng thì sẽ là điều kiện thuận lợi để xây dựng, mở rộng những vùng nguyên liệu khác sau này.
Phóng viên: Hướng phát triển thời gian tới của DOVECO là gì, thưa ông?
Ông Đinh Cao Khuê: DOVECO vẫn tiếp tục phát triển mảng thực phẩm đồ uống, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Quốc và các thị trường khác.
Trong đó, Công ty xác định đẩy mạnh đầu tư sản xuất, chế biến tại khu vực Tây Nguyên. Bởi đây là vùng đất rộng lớn, màu mỡ, nhiều tiềm năng phát triển, nhất là đối với các loại trái cây và rau quả khác. Nếu tận dụng được tiềm năng đất đai, nông nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất lớn.
Cụ thể như tại Tây Nguyên, nếu chuyển những diện tích trồng cây ngắn ngày hiệu quả thấp sang trồng dứa, chanh leo, chuối… cho năng suất cao, thì tôi dám khẳng định, riêng tỉnh Gia Lai sẽ có kim ngạch xuất khẩu rau quả ngang bằng với cả nước hiện nay là khoảng 5 tỷ USD. Tất nhiên là phải làm bài bản và có sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Các sản phẩm chế biến của DOVECO đa dạng về chủng loại.
Phóng viên: Qua thực tiễn sản xuất, kinh doanh, ông có thể cho biết đâu là “điểm nghẽn” của ngành công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam hiện nay?
Ông Đinh Cao Khuê: Điểm khó nhất để phát triển công nghiệp chế biến nông sản hiện nay chính là vùng nguyên liệu đủ lớn, phục vụ công suất của các nhà máy. Vấn đề quan trọng không kém nữa là vốn đầu tư. Chi phí ban đầu của một đơn vị chế biến nông sản trung bình ít nhất từ 400 tỷ đồng, thậm chí có nhà máy lên đến 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi suất hiện hành trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn ở mức cao, ngang bằng như khu vực công nghiệp nên doanh nghiệp rất khó có sức đầu tư. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách phù hợp ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản về các vấn đề như: thời gian vay vốn, thời gian trả vốn và lãi vay, mức lãi suất cho vay.
Một hạn chế nữa đó là vấn đề tìm kiếm, mở rộng thị trường. Không thể có ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển nếu không có thị trường. Cách doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với thị trường hiện nay là tham gia các hội chợ quốc tế.
Tuy nhiên, sau nhiều lần tham dự hội chợ thì chúng tôi thấy một số bất cập như: Các doanh nghiệp đăng ký để được tham dự hội chợ rất khó khăn, thông tin về các hội chợ hạn chế. Tại các hội chợ, gian hàng trưng bày được phân cho các doanh nghiệp có diện tích nhỏ, chỉ từ 4,5- 6,5m2 không đủ cho doanh nghiệp trưng bày sản phẩm và giao lưu với đối tác; Diện tích gian hàng mang tính bình quân nghĩa là doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng được phân diện tích như nhau.
Do đó, để tham gia hội chợ hiệu quả, doanh nghiệp cần có gian hàng với diện tích đủ lớn để trưng bày sản phẩm; doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn cần có gian hàng diện tích lớn hơn doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp muốn mở rộng diện tích gian hàng tại hội chợ được phép chi thêm kinh phí thuê phần diện tích gian hàng mở rộng.
Phóng viên: Nhiều năm qua, nông nghiệp luôn được xác định là trụ đỡ nền kinh tế. Ông có cái nhìn như thế nào về vấn đề này?
Ông Đinh Cao Khuê: Tôi đã làm nông nghiệp lâu năm và thấy nhận định đó hoàn toàn đúng. Đất nước mình không có nông nghiệp thì sẽ rất khó khăn. Cụ thể như châu Âu, vì hoàn toàn phụ thuộc vào phát triển công nghiệp nên có những lúc khó khăn hơn mình về lương thực, thực phẩm, nhất là trong những thời điểm biến động về kinh tế, chính trị, xã hội hay dịch bệnh xảy ra như đại dịch Covid-19 vừa qua.
Còn tại Việt Nam, GDP toàn ngành nông nghiệp ở mức 3-5%/năm nhưng giá trị của nông nghiệp lại vô cùng lớn. Thí dụ, doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu 1 triệu USD thì sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp và bà con nông dân kết tinh khoảng 95% của người Việt, nhưng khi xuất khẩu 1 triệu USD mặt hàng công nghiệp thì kết tinh giá trị của người Việt chỉ 5- 10% công lao động.
Đây là điểm khác biệt nên kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng mạnh theo từng năm là chứng minh giá trị lớn lao của nền nông nghiệp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Nhandan.vn