Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) thông báo, máy bay quân sự của Mỹ đã “gặp sự cố và rơi xuống” khu vực phía đông Địa Trung Hải khi đang thực hiện chuyến bay huấn luyện vào tối 10/11.
Lầu Năm Góc không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào về loại máy bay, cũng như có bao nhiêu người trên máy bay hoặc vụ việc xảy ra trên đất liền hay trên biển.
“Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng chuyến xuất kích của máy bay hoàn toàn liên quan đến hoạt động huấn luyện và không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động thù địch”, EUCOM xác nhận.
“Vì tôn trọng những gia đình bị ảnh hưởng, chúng tôi sẽ không tiết lộ thêm thông tin về các nhân sự có liên quan vào thời điểm này”, EUCOM cho biết thêm.
Ngoài một số căn cứ không quân trong khu vực, quân đội Mỹ đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford hoạt động ở phía đông Địa Trung Hải.
Nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai, do tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower dẫn đầu, cũng được triển khai tới khu vực này gần đây, sau đó đã đi qua kênh đào Suez đến Trung Đông để “ngăn chặn mạnh mẽ hơn các hành động thù địch chống lại Israel hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng cuộc chiến này sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel”.
Năm ngoái, một tiêm kích F-18 Super Hornet trên tàu sân bay USS Harry S. Truman đã bị “thổi bay xuống biển” do “thời tiết xấu bất thường” trong một nhiệm vụ tiếp tế ở Địa Trung Hải. Máy bay bị chìm ở độ sâu dưới biển nhưng được trục vớt một tháng sau đó.
Sau khi xung đột bùng phát ở Gaza, Mỹ đã triển khai loạt khí tài và binh sĩ tới Trung Đông, bao gồm tàu ngầm mang tên lửa hành trình và hai nhóm tác chiến tàu sân bay. Lầu Năm Góc tuyên bố động thái này nhằm gửi thông điệp răn đe tới các lực lượng thù địch trong khu vực.
Trong khi đó, các căn cứ quân sự nơi có lực lượng Mỹ đồn trú ở Iraq và Syria liên tục bị tấn công gần đây. Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết họ đã ghi nhận ít nhất 46 vụ tấn công vào lực lượng Mỹ và đồng minh kể từ ngày 17/10. Kể từ đó đến nay, ít nhất 56 binh sĩ Mỹ bị thương.
Mỹ cáo buộc các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn đứng sau những cuộc tấn công này. Nhà Trắng hồi tháng 10 cũng cáo buộc Iran đã “tích cực tạo điều kiện” cho các nhóm mà Tehran hậu thuẫn thực hiện các vụ tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria.
Iran lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên, song các nhóm vũ trang do Tehran hậu thuẫn công khai tuyên bố đưa lực lượng và tài sản quân sự của Mỹ ở khu vực vào tầm ngắm chừng nào Washington còn hỗ trợ Israel trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani cảnh báo Mỹ có thể sẽ đối mặt với một “cuộc tấn công nghiêm trọng” nếu nước này không can thiệp để khép lại cuộc chiến giữa Israel – Hamas.