Quân đội Israel thông báo lực lượng nước này đã tiến vào trung tâm TP.Gaza, nơi được xem là pháo đài chính của lực lượng Hamas. Trong lúc đó, hàng chục ngàn người Palestine đang tháo chạy về hướng nam nhằm thoát cảnh phải mắc kẹt giữa hai làn đạn.
Pháo đài chính của Hamas rung chuyển
Hôm qua, Reuters đưa tin với sự yểm trợ của các máy bay chiến đấu, bộ binh Israel giao chiến dữ dội với các tay súng Hamas trên đường phố Gaza. Theo lời người dân ở đây, các xe tăng Israel hiện diện khắp nơi, và lực lượng Israel đang áp sát hai bệnh viện chính của TP.Gaza.
Trong khi đó, nhánh vũ trang của Hamas công bố đoạn video cho thấy những cảnh hai bên xáp lá cà trên đường phố, còn các chiến đấu cơ Israel tiếp tục không kích những tòa nhà ở đây. Cũng theo Hamas, xe tăng Israel đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng này. Các tay súng Hamas tiếp tục dựa vào hệ thống đường hầm chằng chịt để thực hiện những cuộc phục kích bất ngờ về phía các đơn vị Israel.
Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn quân đội Israel, cho biết lực lượng công binh chiến đấu đã sử dụng các thiết bị nổ để phá hủy mạng lưới đường hầm kéo dài hàng trăm ki lô mét bên dưới Dải Gaza. Tính đến hôm qua, quân đội Israel thông báo đã phá hủy hơn 130 trụ hầm.
Thủ tướng Israel nói không muốn chiếm đóng Gaza sau chiến sự
Quan điểm của Mỹ
Trong lúc cuộc xung đột Israel – Hamas chuyển sang tháng thứ hai, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua (giờ Việt Nam) đã vạch ra những “lằn ranh đỏ” và kỳ vọng của Washington sau khi kết thúc giao tranh. Theo đó, ông bác bỏ yêu cầu của Israel rằng nước này sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Gaza vô thời hạn.
Phát biểu tại Tokyo, ông Blinken khẳng định: “Không nên xảy ra sự tái chiếm Gaza sau khi xung đột chấm dứt. Không nên có hành động tìm cách phong tỏa hoặc bao vây Gaza. Không thu hẹp lãnh thổ của Gaza”. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận có lẽ cần đến “một vài giai đoạn chuyển tiếp” khi chấm dứt giao tranh, quyền quản lý thời hậu khủng hoảng ở Gaza phải bao gồm tiếng nói Palestine, và do người Palestine dẫn đầu.
Hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chủ trì cuộc họp quốc gia nhằm thảo luận những phương án gia tăng viện trợ và giải cứu dân thường bị thương khỏi Dải Gaza. Hội nghị có sự tham gia của các quốc gia khối Ả Rập, các nước phương Tây, G20 và tổ chức phi lợi nhuận Bác sĩ không biên giới (trụ sở Thụy Sĩ). Theo một phương án, các bên đề nghị thiết lập một hành lang trên biển, sử dụng các tuyến hàng hải để viện trợ cho Dải Gaza và đánh giá khả năng liệu có thể tận dụng tàu hàng tiếp tế cho việc sơ tán dân thường bị thương.
Quân đội Israel nói đã ‘cắt đôi’ Dải Gaza, bao vây Hamas trong thành phố
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết lực lượng nước này ở Trung Đông hôm 8.11 đã xuất kích hai máy bay chiến đấu F-15 giáng đòn tấn công vào kho chứa vũ khí nghi của Iran ở miền bắc Syria. Cùng ngày, Reuters dẫn nguồn tin an ninh tiết lộ căn cứ không quân al-Harir, nơi lực lượng Mỹ đang đóng ở miền bắc Iraq, đã trúng đòn tấn công của máy bay không người lái vũ trang. Chưa rõ thông tin về thiệt hại.
Nhiệm vụ nặng nề của biệt kích Yahalom
Đơn vị biệt kích Yahalom thuộc lực lượng công binh chiến đấu của IDF, được thành lập từ năm 1995. Sau xung đột Gaza năm 2014, quy mô của đơn vị này tăng gấp đôi, và đến nay được giao nhiệm vụ đánh sập mạng lưới đường hầm được cho là có chiều dài đến 500 km của lực lượng Hamas. Trong lúc hành động, Yahalom sử dụng rô bốt và nhiều thiết bị điều khiển từ xa khác nhằm ngăn chặn nguy cơ thương vong. Hiện biệt kích Yahalom được giao trách nhiệm định vị và phá hủy mạng lưới đường hầm chằng chịt của Hamas bên dưới Dải Gaza.
Vì sao đường hầm Hamas trở thành chiến trường trọng điểm của Israel?