Dự báo đêm mai, miền Bắc bắt đầu rét, miền Trung mưa to 5 ngày
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng từ chiều mai (12/11), không khí lạnh rất mạnh sẽ tràn xuống nước ta khiến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chuyển rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại.
Đợt không khí lạnh kéo theo mưa diện rộng kèm giông ở nhiều nơi trên cả nước. Đặc biệt, cơ quan khí tượng cho biết, miền Bắc mưa ít, miền Trung sẽ mưa to đến rất to.
Cụ thể, từ 12-13/11, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 15-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h.
Từ chiều 12-13/11, từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 150mm, riêng Hà Tĩnh 70-120mm, có nơi trên 170mm.
Từ chiều tối 13-14/11, ở khu vực Hà Tĩnh tiếp tục có mưa đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 120mm.
Đặc biệt, từ gần sáng 13-17/11, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 200-500mm, có nơi trên 700mm.
Các chuyên gia nhận định, tâm điểm mưa lớn miền Trung lần này sẽ tập trung chủ yếu ở Hà Tĩnh, rồi nối tiếp Quảng Bình – Phú Yên.
Ngoài ra, khu vực Nam Bộ từ đêm 12-17/11, có mưa rào và giông rải rác, chủ yếu vào chiều tối và tối.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa có dự báo khí hậu thời hạn tháng trên phạm vi toàn quốc, từ 11/11 – 10/12/2023.
Trao đổi với Vietnamnet, bà Trần Thị Chúc – Phó Trưởng phòng dự báo khí hậu, thời kỳ này tổng lượng mưa tại khu vực từ Nam Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm (TBNN); các khu vực còn lại trên phạm vi cả nước phổ biến xấp xỉ so với TBNN.
Đồng thời, các đợt mưa vừa, mưa to tiếp tục có khả năng xảy ra tại khu vực Trung Bộ.
“Thời kỳ này vẫn là giai đoạn chính của mùa mưa tại khu vực Trung Bộ, do vậy các đợt mưa lớn còn xảy ra, cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đá trên khu vực”, bà Chúc cảnh báo.
Ngoài ra, Tây Nguyên và Nam Bộ còn xuất hiện nhiều ngày mưa rào và dông tập trung trong tháng 11, sau đó giảm dần.
Cũng theo bà Chúc, đây cũng là thời kỳ trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Bên cạnh đó, bà Chúc thông tin, trong thời kỳ này có khả năng xuất hiện khoảng từ 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Không khí lạnh tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ, đặc biệt thời đoạn giữa tháng 11 có xu hướng hoạt động mạnh hơn TBNN cùng thời kỳ; nhưng sau đó các đợt không khí lạnh có thể hoạt động yếu hơn so với TBNN cùng thời kỳ.
Nhiệt độ trung bình trên toàn quốc vẫn phổ biến cao hơn so với TBNN từ 0,5-1 độ.
Chủ động ứng phó với mưa lớn
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đức Luận, chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết sáng 11/11, đơn vị đã có công văn gửi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông nếu không bảo đảm an toàn và chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.
Đồng thời kiểm tra, rà soát, vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu và sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Trúc Chi (t/h)