Các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus hiện cho phép người bệnh ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và sống cuộc sống bình thường. Điều trị bằng thuốc kháng virus cho phép người bệnh duy trì sức khỏe của họ, đồng thời làm giảm nguy cơ truyền virus cho người khác, theo trang tin sức khỏe Healthline.
Theo Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), vào năm 2022, khoảng 76% tổng số người nhiễm HIV được điều trị. Các loại thuốc dùng để điều trị HIV có hai tác dụng:
Giảm tải lượng virus: Mục tiêu của liệu pháp kháng virus HIV là giảm lượng virus đến mức không thể phát hiện được.
Giúp cơ thể khôi phục số lượng tế bào CD4 về mức bình thường: Tế bào CD4 có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại các mầm bệnh có thể gây ra HIV.
Không thể phát hiện được virus có nghĩa là không lây truyền bệnh
Hai nghiên cứu năm 2016 cho thấy tất cả những người nhiễm HIV được ức chế virus lâu dài đến mức không thể phát hiện được, đã hoàn toàn không lây truyền bệnh cho người khác.
Mục tiêu mới nhất đến năm 2030
UNAIDS đưa ra mục tiêu là đạt được “95-95-95” vào năm 2030.
- 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình
- 95% bệnh nhân HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus
- 95% số người được điều trị bằng thuốc kháng virus sẽ được ức chế virus
Tổ chức trên báo cáo một số nơi đã đạt được mục tiêu này.
Cấy ghép tế bào gốc: 5 người đã được chữa khỏi
Người đầu tiên, được đặt tên là “Bệnh nhân Berlin”, ông Timothy Ray Brown, một người Mỹ từng sống ở Berlin, nhiễm HIV vào năm 1995 và mắc bệnh bạch cầu vào năm 2006. Ông là một trong hai người còn được gọi là “Bệnh nhân Berlin”.
Năm 2007, ông Brown được ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu – và ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus. Kể từ khi thực hiện thủ tục này, không tìm thấy virus HIV nơi ông.
Các nghiên cứu trên nhiều bộ phận cơ thể của ông tại Đại học California (Mỹ) cho thấy ông không còn nhiễm HIV. Theo một nghiên cứu năm 2013, bệnh nhân này được xem là “được chữa khỏi một cách hiệu quả”. Đây là trường hợp đầu tiên được chữa khỏi HIV.
Đến năm 2019, thêm 2 bệnh nhân được chữa khỏi HIV, được đặt tên là “Bệnh nhân London” (Anh) và “Bệnh nhân Dusseldorf” (Đức). Hai người này mắc cả HIV và ung thư. Cả hai đã được cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư. Sau khi được cấy ghép, cả hai cũng ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus.
Hiện cả hai đều trong tình trạng thuyên giảm HIV.
Sau đó, nghiên cứu vào năm 2022 đề cập đến bệnh nhân thứ 4 được chữa khỏi là một phụ nữ trung niên, được đặt tên là “Bệnh nhân New York” (Mỹ). Thực tế, bà này đã thuyên giảm HIV kể từ năm 2017 sau khi được cấy ghép tế bào gốc.
Vào tháng 7.2023, Hội nghị Khoa học HIV của Hiệp hội AIDS Quốc tế (IAS 2023) công bố bệnh nhân thứ 5 được chữa khỏi HIV cũng thông qua cấy ghép tế bào gốc, được đặt tên là “Bệnh nhân Geneva”. Hiện người đàn ông này cũng đã thuyên giảm HIV, theo Healthline.
Y học đã tiến bộ đến đâu?
Các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus thành công hiện có thể ngăn chặn sự tiến triển của HIV và giảm lượng virus của người bệnh xuống mức không thể phát hiện được. Việc có tải lượng virus ở mức không thể phát hiện không chỉ giúp cải thiện sức khỏe người bệnh mà còn loại bỏ nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu cũng có thể ngăn ngừa người mang thai nhiễm HIV truyền virus sang con. Mỗi năm, có hàng trăm thử nghiệm lâm sàng nhằm mục đích tìm ra phương pháp điều trị HIV tốt hơn với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm ra phương pháp chữa trị.
Với những phương pháp điều trị mới này, sẽ có những phương pháp tốt hơn để ngăn ngừa lây truyền HIV.