Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại điểm tập kết dầu thải nằm trong khu dân cư đường Đinh Văn Chất – Bờ Dằm 8, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang có hàng chục thùng phuy, can nhựa chứa hàng trăm lít dầu nhớt thải được thu mua từ các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về tích trữ và bán lại. Các can dầu nằm ngổn ngang, dầu nhớt thải đen kịt chảy tràn ra nền đất, không khí nồng nặc mùi hóa chất, dầu.
Tại đây, hành vi tích trữ dầu nhớt thải được hoạt động công khai, dấu hiệu vi phạm các quy định về môi trường, không bảo đảm yêu cầu về lưu trữ, mua bán chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, tại cơ sở này có dấu hiệu không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, dầu nhớt thải vương vãi không được che đậy tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào vào khu dân cư cạnh đó.
Theo chia sẻ của người dân xung quanh, điểm thu mua dầu nhớt thải này đã được xây dựng từ lâu và có dấu hiệu trái phép. Bà Trần Thị Thanh Yến được cho là chủ cơ sở và là người trực tiếp thu mua, vận chuyển, điều hành sản xuất, tái chế từ dầu nhớt thải.
Làm việc với lãnh đạo UBND xã Hòa Phước, ông Trần Bùi Quốc Bình, Chủ tịch UBND xã thừa nhận đây là thiếu sót của chính quyền địa phương khi không giám sát, kiểm tra chặt chẽ, để chủ cơ sở tiếp tục vi phạm.
Ông Bình đã cung cấp biên bản làm việc giữa chính quyền xã với cơ sở kinh doanh của bà Trần Thị Thanh Yến theo phản ánh của người dân về điểm tập kết dầu nhớt gây ô nhiễm môi trường vào ngày 11/4/2023. Theo biên bản làm việc, bà Yến cho biết gia đình nhận thấy khu đất trống chưa ai sử dụng nên đã tận dụng để tập kết dầu thải. Hình thức kinh doanh là thu mua dầu ăn đã qua sử dụng về tập kết sau đó xuất đi đến công ty trên đường Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu). UBND xã yêu cầu hộ bà Yến ngừng tập kết dầu thải tại khu vực này đồng thời tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường hoàn trả lại mặt bằng đất sạch.
“Địa phương đã phát hiện rồi nhưng công việc cũng nhiều, bộ phận tham mưu cũng chưa thực hiện hết chức năng trong việc hậu kiểm để cơ sở tồn tại như vậy trên địa bàn. Cơ sở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và cháy nổ, sau hôm nay địa phương kiên quyết xử lý”, ông Bình nói.
Khẳng định của lãnh đạo địa phương là như vậy nhưng thực tế từ thời điểm lập biên bản đến nay đã hơn 6 tháng trôi qua hoạt động thu gom và tập kết dầu thải của hộ bà Yến vẫn diễn ra bình thường như chưa từng có sự kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương.
Đáng nói, mặc dù bà Yến cho biết hình thức kinh doanh là dầu ăn nhưng thực chất ghi nhận của phóng viên bao gồm cả dầu nhớt thải thu mua từ các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy. Bà Yến cũng không đưa ra được bất cứ giấy tờ, hợp đồng nào từ hoạt động thu mua dầu thải này. Nếu số dầu nhớt thải này đi ra tiêu thụ ngoài thị trường, không đạt tiêu chuẩn có thể dẫn tới nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, ảnh hưởng quá trình vận hành, giảm tuổi thọ cũng như tăng tỷ lệ cháy, nổ động cơ của thiết bị máy móc. Dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của chính quyền ở đâu khi không xử lý rốt ráo thực trạng trên?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin!
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại có thể bị Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc không đúng nội dung trong sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.