Phát biểu thảo luận tại tổ chiều 10/11, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng: “Thủ đô là đô thị đặc biệt, cán bộ, công chức phải thực hiện các trọng trách lớn, giải quyết những vấn đề của quốc gia chứ không phải vấn đề của một địa phương, nên chế độ tiền lương cũng phải khác biệt”.
Dự thảo luật đề xuất Hà Nội được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô và một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn.
Tổng mức chi cho nội dung này không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Mức tăng thêm như trên theo ông Cường là chưa thực sự đặc thù, đột phá vì chỉ bằng một số địa phương khác, “cần cao hơn”.
“Với quỹ tiền lương được tăng giới hạn 0,8 lần thì từng cá nhân được hưởng không đáng bao nhiêu. Tôi đề nghị trong Luật Thủ đô sửa đổi không giới hạn số chi tăng thêm vì khi tổ chức bộ máy tinh gọn, Hà Nội có thể trả lương cho một cán bộ cao hơn nhiều lần”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu. Đây cũng là cách để Thủ đô thu hút nhân tài, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) đồng tình dự thảo cần cơ chế, chính sách đặc thù về thu nhập để Hà Nội thu hút người giỏi về làm việc. Tuy nhiên, ông đề nghị xác định rõ tiêu chí nhân tài là gì, tránh cơ chế xin – cho.
“Con ông cháu cha đưa vào nói là nhân tài, rồi đưa đi học nước ngoài, khi về nước lại làm việc không hiệu quả thì ngân sách sẽ bị lãng phí”, đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Quy định như vậy sẽ giúp Thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương”, bà phân tích.
Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên đề nghị Luật cũng cần quy định làm sao cho phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo bám sát lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Theo nữ đại biểu, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội cần dùng ngân sách thành phố đầu tư cho các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia; đồng thời cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô được đi đào tạo ở nước ngoài.
Hà Nội muốn thu hút nhân tài cần có chế độ đãi ngộ riêng như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND thành phố Hà Nội quy định…, bà đề xuất thêm.
Hà Cường