Thị trường Việt Nam hấp dẫn các nhà xuất khẩu hải sản Na Uy; hàng “cây nhà lá vườn” Việt Nam được Trung Quốc săn lùng… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 3-10/11.
Ngày 8/11, trong khuôn khổ Triển lãm Vietfood & Beverage – Propack Vietnam 2023, Hội đồng Hải sản Na Uy tổ chức sự kiện “Học viện cá hồi Na Uy” (Norwegian Salmon Academy) đầu tiên tại Việt Nam.
Thông qua các hoạt động tương tác, gặp gỡ, giới thiệu với nhiều thông tin bổ ích, những vị khách tới tham quan gian hàng của Hội đồng Hải sản Na Uy có thể cập nhật các xu hướng phát triển mới nhất trong lĩnh vực hải sản, đồng thời được kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất và xuất khẩu hải sản đến từ Na Uy.
Đây cũng là lần đầu tiên, 8 nhà sản xuất và xuất khẩu hải sản hàng đầu của Na Uy (bao gồm Salmar, Seaborn, Leroy, Coast, Cape Fish, Hofseth, Pure Na Uy Seafood và Star Seafood) đến Việt Nam để tham dự trực tiếp vào các hoạt động của Hội đồng Hải sản Na Uy, thúc đẩy các cơ hội hợp tác với các đối tác tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, tiến sĩ Asbjørn Warvik Rørtveit – Giám đốc khu vực Đông Nam Á – Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) – cho biết: “Nền tảng của ngành hải sản Na Uy là cam kết phát triển có trách nhiệm và duy trì sự cân bằng tự nhiên trong môi trường của chúng ta. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam nguồn hải sản chất lượng cao và đáng tin cậy mà còn thúc đẩy sự hợp tác trong việc bảo vệ hệ sinh thái sinh thái biển, góp phần đảm bảo sự bền vững lâu dài của ngành hải sản”.
Với tư cách là Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Thủy sản Na Uy trong những năm qua, ông Asbjørn đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về tiêu dùng hải sản nội địa tại thị trường Việt Nam. Xu hướng gia tăng này cho thấy nhu cầu ngày càng lớn đối với hải sản Na Uy tại Việt Nam và phản ánh nhận thức và ghi nhận ngày càng cao về các giá trị mà ngành hải sản Na Uy đại diện.
Trong tháng 9/2023, Na Uy đã xuất khẩu 8.988 tấn hải sản sang Việt Nam, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước về mặt sản lượng. Những mặt hàng xuất khẩu này có giá trị 266 triệu NOK (khoảng 23,7 triệu USD), tăng trưởng ấn tượng 28% về mặt giá trị.
Thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 42.242 tấn hải sản từ Na Uy, trị giá 1,6 tỷ NOK (tương đương 142 triệu USD) tương đương sự gia tăng 8% về mặt sản lượng và 23% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng, song hành cùng quy mô dân số và sự gia tăng về thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam.
“Do đó, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu hải sản Na Uy, luôn giữ vững vị thế là nước nhập khẩu hải sản Na Uy hàng đầu tại Đông Nam Á. Trong thời gian tới, Hội đồng Hải sản Na Uy cam kết hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời duy trì sự đảm bảo rằng hải sản Na Uy có mặt tại Việt Nam luôn có được nguồn gốc và chất lượng đẳng cấp thế giới”, ông Asbjørn khẳng định.
Để chống khai thác bất hợp pháp và gỡ thẻ vàng, Thủ tướng yêu cầu tổng rà soát doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện về tập trung tìm cách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).
Kể từ khi bị áp thẻ vàng năm 2017, thủy sản – một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam – đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm 2022, tức sau 5 năm, tỷ trọng hàng sang thị trường này giảm còn 9,4%. EU cũng tụt từ vị trí thứ hai xuống thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Nếu thẻ vàng chuyển đỏ, thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên đến 518 triệu USD. Ngành khai thác, chế biến thủy sản cũng có khả năng giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. Do vậy, nhiều năm nay, Việt Nam rất nỗ lực trong việc tháo thẻ vàng IUU.
Tuy nhiên, theo Công điện, đến nay, việc chống khai thác IUU vẫn còn nhiều tồn tại. Tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra; thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đồng bộ, chậm trễ trong điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm; đặc biệt là vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, xử phạt vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới trên biển. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác vẫn còn yếu. Những điều này dẫn đến nguy cơ cao châu Âu nâng cảnh báo lên thẻ đỏ.
Do đó, một trong những yêu cầu mà Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tư pháp, các địa phương là đảm bảo chứng nhận, truy gốc nguồn gốc thủy sản. Theo đó, cần tổng rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu, đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu đủ căn cứ xử lý hình sự); trong đó, đặc biệt tập trung vào các lô hàng với cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm.
Cơ quan chức năng cũng cần thực hiện đúng quy định trong xác nhận, chứng nhận sản phẩm thuỷ sản khai thác trong nước; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ; hoàn thiện, đưa vào sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi sản phẩm; kiểm soát hoạt động của các tàu cá, xử lý nghiêm những tàu cá không đủ điều kiện hoạt động.
Thủ tướng cũng yêu cầu có chính sách chuyển đổi, hỗ trợ sinh kế cho ngư dân tự nguyện không tham gia khai thác thủy sản hoặc tàu cá không còn đủ điều kiện theo quy định.
Thủ tướng cho biết thực hiện các biện pháp xử lý mạnh, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá gửi thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị giám sát của tàu cá khác. 100% các trường hợp vi phạm đều bị xử phạt.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng, cố tình thực hiện hành vi trái phép ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2023 thu về hơn 608 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 9/2023. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả của nước ta cán mốc 4,8 tỷ USD, tăng mạnh 75,5% và là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng đầu năm.
Khách hàng lớn nhất của hàng rau quả Việt Nam là Trung Quốc với tỷ trọng nhập khẩu đứng đầu trong số các thị trường. Cụ thể trong tháng 10/2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 434 triệu USD, chiếm đến 71% tỷ trọng của cả nước. Lũy kế 10 tháng đầu năm hoa quả xuất sang Trung Quốc đạt hơn 3,18 tỷ USD, tăng gấp 2,63 lần so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 66,25% kim ngạch của cả nước.
Việt Nam có hàng chục loại rau quả đang được xuất ngoại đi khắp thế giới. (Nguồn: TTXVN) |
Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường nổi bật khác của rau quả Việt còn có Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,…Đối với Mỹ, quốc gia này nhập khẩu rau quả Việt hơn 212 triệu USD, giảm nhẹ 7 triệu USD so với năm trước và chiếm tỷ trọng gần 5%. Hàn Quốc chi gần 187 triệu USD nhập khẩu, tăng 27% so với cùng kỳ.
Theo thống kê, các sản phẩm nông sản Việt nói chung và hoa quả nói riêng hiện đã có mặt hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam có hàng chục loại rau quả đang được xuất ngoại đi khắp thế giới, giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỉ USD , trong đó xuất siêu khoảng 1,3 tỉ USD.
Trong nhóm quả, thanh long là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mỗi năm đạt trên 1 tỉ USD; sau đó đến chuối, mít, sầu riêng, xoài… Rau củ được xuất khẩu nhiều nhất là: ớt, khoai lang, ngô, súp lơ, đậu nành, cải thảo, đậu bắp, khoai môn, khoai tây, bí xanh, bí đỏ…
Đối với thị trường chủ lực Trung Quốc, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu 7 triệu tấn trái cây tươi, trị giá khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mới chỉ chiếm 7,15% thị phần, so với Thái Lan là 45,02% và Chile là 16,8%.
Do đó, cơ hội cho trái cây Việt Nam mở rộng thị phần tại Trung Quốc là rất lớn, nhất là trong điều kiện nhiều loại quả đã được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Với trái bưởi tươi, cơ hội tại thị trường Mỹ và New Zealand cũng đang rộng mở.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cuối năm Trung Quốc thường có nhu cầu thanh long cao. Điều này kỳ vọng xuất khẩu thanh long sẽ có sự hồi phục trở lại.
Mới đây, trái dừa đã được cấp “visa” sang Mỹ và cùng với việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc, thời gian tới trái dừa Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng trở thành mặt hàng tỷ USD.
Những điều này góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả thời gian tới. Dự báo, cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ có thể đạt mức 5,5 tỷ USD.