Tập đoàn Kido (KDC) bị xử phạt 117,5 triệu đồng
Vừa qua, Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với CTCP Tập đoàn Kido (Mã KDC) với các hành vi vi phạm trong việc công bố thông tin liên quan phương án phát hành trái phiếu.
Kido bị phạt 92,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ do đã không công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Kido đã không công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ đợt phát hành trái phiếu năm 2021, bán niên 2022. Công ty cũng không báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021, bán niên 2022. Ngoài ra Kido cũng không công bố tình hình sử dụng nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán năm 2022 và bán niên 2023.
Tập đoàn Kido cũng bị phạt 25 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do không đưa nội dung thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm cũng như báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên.
Tổng cộng số tiền mà Kido bị phạt là 117,5 triệu đồng cho các vi phạm hành chính nêu trên.
Doanh thu quý 3 sụt giảm, vẫn báo lãi lớn nhờ công ty liên kết
Về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Kido, trong quý 3/2023 công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.303 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp mang về 442,7 tỷ đồng, giảm 20%. Biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 19,2% trong quý 3.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ đạt 49,1 tỷ đồng, giảm 19%. Trong khi đó chi phí tài chính giảm 17%, xuống còn 51,7 tỷ đồng. Phần lớn trong đó là chi phí lãi vay, chiếm 47,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 263,3 tỷ và 83,2 tỷ đồng.
Điểm sáng đáng chú ý trong BCTC của Kido lại đến từ hoạt động tại các công ty liên kết. Kido báo lãi 30,8 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư tại công ty liên kết trong khi cùng kỳ đang lỗ 34,9 tỷ đồng. Việc chuyển lỗ thành lãi trong hoạt động tại công ty liên kết đã giúp kéo lợi nhuận quý 3 của Kido tăng lên đáng kể.
Hiện tại, Kido đang ghi nhận 4 công ty liên doanh liên kết bao gồm Thực phẩm Đông lạnh Kido (nắm 49%), Mỹ phẩm LG Vina (nắm 40%), Lavenue (nắm 50%) và Chế biến Thực phẩm Dabaco (nắm 50%).
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 3 của Kido đạt 81,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ.
Quy mô vay nợ ngắn hạn giảm gần 50%
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, tổng tài sản của Kido có sự biến động tương đối. Tổng tài sản giảm từ 14.004,8 tỷ xuống còn 13.179,3 tỷ đồng. Trong đó công ty gia tăng lượng tiền mặt lên gần gấp đôi, chiếm 2.057,9 tỷ đồng.
Lượng hàng tồn kho sụt giảm từ 2.212,3 tỷ xuống còn 1.118,7 tỷ đồng, dự phòng giảm giá hàng tồn kho chiếm 15,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu về đầu tư tài chính dài hạn cũng giảm 30,5% xuống còn 2.764,6 tỷ đồng. Phần sụt giảm chủ yếu là do khoản đầu tư vào công ty liên kết và công ty liên doanh đồng kiểm soát với hoạt động thoái vốn cổ phần khỏi Calofic (2.081,7 tỷ) và Vibev (140,2 tỷ).
Về cơ cấu nguồn vốn, Kido có xu hướng cắt giảm lượng nợ vay ngắn hạn gần 50%, giảm từ 4.168,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 2.181,8 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn cũng có xu hướng giảm từ 751,9 tỷ xuống còn 501,3 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu hiện đang chiếm 8.131,2 tỷ đồng với vốn cổ phần đạt 2.797,4 tỷ. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong kỳ đã tăng vọt từ 1.619,4 tỷ lên mức 2.554 tỷ đồng.