Liên quan đến vụ việc ông N.V.N. (59 tuổi) có bảo hiểm y tế (BHYT) 100% nhưng 3 lần mổ sỏi thận đều phải tự ra ngoài mua nhiều vật tư y tế (trong đó có ga trải giường phẫu thuật) và tự chi trả, mới đây, chị M. (con gái ông N.) tiếp tục chia sẻ với phóng viên các bất tiện khác mà bệnh nhân phải chịu trong thời gian điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, chị M. cho biết thời điểm trước khi phẫu thuật, cha chị được chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu cần thiết và chụp CT.
“Có một bệnh viện khác thầu xét nghiệm, cử nhân viên ngồi ở nơi lấy máu và nước tiểu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Cha tôi tới đó nộp mẫu, làm xét nghiệm, sau đó nhận kết quả và trả tiền.
Họ không hỏi bệnh nhân có BHYT hay không, và khoản xét nghiệm này cũng không được kê khai trong danh sách viện phí của bệnh viện tỉnh” – người con nói.
Kế đến theo gia đình, khi cần phải chụp CT, ông N. được xe chở sang một bệnh viện tư tên V.P. với giá lên đến tiền triệu. “Có bệnh nhân khác lên tiếng không đủ tiền liền được chuyển đến một cơ sở khác có giá chụp CT rẻ hơn”, chị N. thuật lại.
Trả lời phóng viên Dân trí về phản ánh trên, một đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương thừa nhận: Đó là sự thật.
3 lần mở thầu, không nhà thầu nào dự
Cụ thể, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương chia sẻ, bệnh viện đã 3 lần mở thầu máy CT Scanner nhưng đều không trúng, thậm chí không có nhà thầu tham dự. Đơn vị đang thực hiện các thủ tục để mở thầu đợt mới. Về xét nghiệm, đại diện bệnh viện cũng cho biết, đơn vị hết hóa chất từ khá lâu.
Lý giải vì sao việc xét nghiệm máu bị đứt quãng thời gian dài, nguồn tin tại bệnh viện cho biết: Do những năm qua, cơ quan chức năng cấp trên liên tục không phê duyệt gói thầu xét nghiệm máu.
Trước thời điểm tháng 8, bệnh viện chỉ được tự chủ việc mua sắm không quá 200 triệu đồng/lần. Với mức mua sắm ít ỏi này, đơn vị không thể đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm và vật tư điều trị nói chung của bệnh nhân.
Thay vào đó, bệnh viện sẽ ưu tiên cho những trường hợp cấp cứu, điều trị bệnh nhân nghèo ở các khoa như Cấp cứu, Thận nhân tạo, Hồi sức tích cực (ICU).
“2-3 năm nay làm hoài đều không được. Riêng năm trước, bệnh viện làm 5 lần thẩm định giá, tất cả cứ đưa lên là Sở Tài chính trả về”, phía bệnh viện chia sẻ.
Lo mua sắm không chạy kịp với quy định
Cũng theo nguồn tin trên, đến tháng 8, việc đấu thầu hóa chất xét nghiệm đã được UBND tỉnh Bình Dương giao quyền thực hiện về cho ngành y tế. Nhờ vậy, Bệnh viện tỉnh Bình Dương đã ra được gói thầu hóa chất có trị giá 55 tỷ đồng. Dự kiến không quá 1 tháng nữa, đơn vị sẽ có đầy đủ các hóa chất xét nghiệm.
Riêng với gói thầu CT, đại diện bệnh viện tiết lộ đã ra dự toán thầu, chỉ còn chờ quyết định của HĐND tỉnh để chính thức thực hiện.
Trong thời gian chờ đợi, bệnh nhân cần chụp CT của Bệnh viện sẽ được chuyển sang một số cơ sở khác (như phòng khám đa khoa Châu Thành, Bệnh viện Vạn Phúc) và được hỗ trợ làm với giá BHYT chi trả.
Theo quy định, tất cả các gói thầu dù được phê duyệt bắt buộc phải đợi đến giai đoạn ra hồ sơ mời thầu mới có thể thực hiện. Do đó, bệnh viện đang rất lo lắng hàng chục gói thầu không kịp đến giai đoạn trên, khi có luật Đấu thầu mới (dự kiến đầu năm 2024).
“Thực sự thay đổi là có lợi. Nhưng cứ thay đổi liên tục, không ra kịp gói thầu theo quy định hiện hành thì gần như phải hủy thầu”, vị trên tâm tư.
Ngày 8/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm.
Liên quan đến vấn đề giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện chậm tiến độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung 5 chỉ đạo.
1. Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và xây dựng; trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế để giải quyết các vấn đề thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và bảo hiểm y tế một cách căn cơ, có hệ thống, đảm bảo hiệu quả.
2. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, đảm bảo công khai, minh bạch.
3. Thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế về mặt lâu dài.
4. Tập trung xây dựng cơ sở y tế mới góp phần giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
5. Chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh và phát huy vai trò của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế…