Cụ thể, giá dầu Brent tăng 0,59%, lên mức 79,82 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,54%, lên mức 75,74 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho biết, thị trường giảm bớt lo ngại hơn về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông và thay vào đó tập trung vào việc nới lỏng cán cân cung cầu.
Trung Quốc tăng khối lượng dầu nhập khẩu trong tháng 10 nhưng tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này lại giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Điều này cho thấy, kinh tế Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi như kỳ vọng, làm gia tăng lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ suy yếu.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây cho hay, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 5% trong năm nay.
Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư đang dần ổn định sau hai phiên bị bán tháo trước đó. Điều này có tác động tích cực đến thị trường dầu.
Bên cạnh đó, thị trường dầu cũng lạc quan nhờ niềm tin các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Lãi suất cao làm tăng chi phí vay, làm giảm nhu cầu trên các thị trường, bao gồm cả dầu mỏ.
Tuần tới, cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều sẽ đưa ra quan điểm về tình trạng cung cầu dầu cơ bản.
Hạn chế đà tăng của giá dầu là dự trữ dầu thô của Mỹ tăng gần 12 triệu thùng trong tuần trước, theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ hôm 7.11. Nếu được xác nhận, đây sẽ là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2.
Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã trì hoãn công bố dữ liệu tồn kho dầu hàng tuần cho đến ngày 15.11 để hoàn tất nâng cấp hệ thống.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 10.11 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.614 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.929 đồng/lít; dầu diesel không quá 21.940 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.305 đồng/lít; dầu mazut không quá 16.240 đồng/kg.