SGGP
Ngày 8-11, Diễn đàn Kinh tế mới (NEF), sự kiện thường niên do Bloomberg Media Group thuộc hãng tin Bloomberg tổ chức, dự kiến khai mạc tại Singapore.
Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và các học giả đến từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về những vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Kết nối và chia sẻ
Theo hãng tin Bloomberg, “Đón nhận sự bất ổn” là chủ đề của NEF năm nay, nêu bật những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, cũng như nhấn mạnh cơ hội để hiểu rõ hơn và giải quyết các vấn đề cơ bản như lạm phát dai dẳng, căng thẳng địa chính trị, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) và biến đổi khí hậu thế giới. Đây là lần thứ 4 Singapore đăng cai tổ chức NEF, sau sự kiện khai mạc vào năm 2018 và các sự kiện tiếp theo vào năm 2021 và 2022.
Diễn ra vào cuối năm 2023, NEF được mong chờ là cơ hội để giới lãnh đạo của khu vực công và tư có dịp kết nối và chia sẻ về phương hướng phát triển chiến lược phục hồi toàn cầu, giúp xác định các ưu tiên để đưa kinh tế thế giới tiến lên trong năm tới.
Diễn đàn có sự tham gia của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, các quan chức chính phủ Mỹ, Trung Quốc, UAE, Anh, Australia, Brazil. Về phía doanh nghiệp, có ông Michael R. Bloomberg, người sáng lập tập đoàn Bloomberg và các lãnh đạo tập đoàn SABIC, Holcim, Sinovation Ventures…
Phân mảnh kinh tế hiện rõ
NEF được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới năm 2023 có dấu hiệu tăng trưởng chậm và không đồng đều, lạm phát cao vẫn là bài toán khó của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3% cho năm 2023, tương đương với dự báo hồi tháng 7. IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 xuống 2,9%, thấp hơn 0,1% so với báo cáo công bố hồi tháng 7.
Một dây chuyền sản xuất ô tô tại Mỹ |
Theo nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas, kinh tế toàn cầu đang bước chậm chứ không phải chạy nước rút như kỳ vọng. Theo đó, các dự báo nhìn chung đều cho thấy nền kinh tế toàn cầu “hạ cánh mềm”, nhưng IMF vẫn quan ngại các nguy cơ liên quan cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, giá cả hàng hóa chưa ổn định, lạm phát có thể tăng trở lại, lại thêm nguy cơ mới xuất hiện là xung đột giữa lực lượng vũ trang Hamas và Israel.
Sự bấp bênh trong nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại đã giảm xuống đáng kể so với khi IMF đưa ra dự báo hồi tháng 4; triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 đối mặt với nhiều rủi ro giảm tốc hơn là khả năng tăng tốc. Khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm dưới 2%, mức tăng trưởng mới chỉ xuất hiện 5 lần kể từ năm 1970, hiện chỉ là 15%, so với ngưỡng 25% hồi tháng 4.
Số liệu thống kê của IMF cho thấy những cú sốc liên tiếp, kể từ năm 2020, đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 3.700 tỷ USD. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng toàn cầu hiện thấp hơn nhiều so với mức 3,8% ghi nhận trước đại dịch Covid-19 và triển vọng tăng trưởng trung hạn còn thấp hơn nữa.
Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay đó là sự phân mảnh kinh tế toàn cầu ngày càng hiện rõ. Sự phân mảnh này được thể hiện qua chủ nghĩa bảo hộ, việc các chính phủ tăng cường kiểm soát xuất khẩu và tạo ra căng thẳng chính trị, đe dọa đến tự do thương mại toàn cầu và làm suy yếu thêm triển vọng tăng trưởng, đặc biệt đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.