Từ ngày 4-7/11, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã có chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng đến Trung Quốc, theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Lý Cường.
Truyền thông Trung Quốc, bao gồm cả tờ Global Times và CGTN, mô tả chuyến thăm của Thủ tướng Australia Anthony Albanese là một “chương mới” và “bước đột phá” trong quan hệ song phương. (Nguồn: AAP) |
Kỳ vọng luồng sinh khí mới
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Australia đến Trung Quốc sau 7 năm, trong bối cảnh những năm qua quan hệ giữa hai nước ở trạng thái khá căng thẳng.
Dưới thời cựu Thủ tướng Scott Morrison, Australia đã thực thi chính sách khá cứng rắn với Trung Quốc trong các lĩnh vực như viễn thông, điều tra nguồn gốc dịch bệnh, hạn chế thương mại song phương… Phía Trung Quốc cũng đáp trả bằng các biện pháp hạn chế đối với hàng hoá xuất khẩu chủ lực của Australia vào Trung Quốc, khiến cho quan hệ hai nước rơi vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972.
Sau khi lên cầm quyền vào năm 2022, chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Hai nước đã khởi động lại hoặc nối lại các cuộc đối thoại và tham vấn về ngoại giao, kinh tế, thương mại, thúc đẩy đối thoại và trao đổi ở tất cả các cấp.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Albanese gặp song phương bên lề Hội nghị G20 tại Bali, Indonesia vào tháng 11/2022. Thủ tướng Lý Cường và Thủ tướng Albanese có cuộc tiếp xúc bên lề tại Hội nghị cấp cao Đông Á trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại thủ đô Jakarta, Indonesia tháng 9 vừa qua. Hai bên cũng đã có các động thái dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại, tạo điều kiện cho hàng hoá xuất khẩu của nhau, cho thấy quan hệ hai nước đã có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Vì vậy, chuyến công du lần này của Thủ tướng Albanese là kết quả của quá trình điều chỉnh chính sách của Australia với Trung Quốc thời gian qua, cũng như mong muốn cải thiện, thúc đẩy quan hệ của cả hai bên, được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho quan hệ song phương.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 6/11. (Nguồn: Reuters) |
Mối quan hệ “tốt đẹp và ổn định”
Kết quả chuyến thăm, Thủ tướng Australia đã có các cuộc hội đàm, tiếp xúc quan trọng với các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Hai bên đã ra Tuyên bố về kết quả chung của Hội nghị thường niên giữa Thủ tướng Trung Quốc và Australia. Tuyên bố chung tái khẳng định ủng hộ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Australia và nhắc lại tầm quan trọng của quan hệ song phương ổn định và mang tính xây dựng, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phát triển ổn định; Australia cam kết thực hiện chính sách một Trung Quốc.
Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc và việc tuân thủ các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhất trí tiếp tục hợp tác trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, G20, APEC, Cấp cao Đông Á, coi trọng hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hai nước cũng nhất trí tiếp tục hợp tác và mở rộng liên lạc trên các lĩnh vực như chính trị, thương mại song phương, hợp tác về biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường, giao lưu nhân dân và văn hóa…
Tại cuộc tiếp nhà lãnh đạo Australia, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc và Australia đều là các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thành viên quan trọng của G20, hai nước không có bất bình lịch sử hay xung đột lợi ích cơ bản nào và hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy lẫn nhau và cùng thành công.
Ông khẳng định mối quan hệ “tốt đẹp và ổn định” với Australia góp phần đảm bảo lợi ích của mỗi nước và điều quan trọng là cần thúc đẩy để nâng quan hệ song phương lên cấp chiến lược. Trung Quốc sẵn sàng thực hiện hợp tác ba bên và đa bên hơn với Australia để hỗ trợ các nước Nam Thái Bình Dương tăng cường khả năng phục hồi phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức khác, đồng thời duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cách cởi mở và toàn diện.
Bước đi ngoại giao khéo léo
Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Australia có thể nói là đã đạt được kết quả tốt đẹp trong việc chấm dứt giai đoạn căng thẳng, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, có thể thấy cả hai bên vẫn còn những nghi ngại nhất định.
Ngay trước chuyến thăm, Thủ tướng Albanese đã thực hiện chuyến thăm đến Mỹ cuối tháng 10 vừa qua, và là chuyến thăm thứ hai tới Mỹ trong năm 2023, trong nỗ lực “xây dựng một liên minh cho tương lai”, với trọng tâm là thúc đẩy việc hiện thực hóa các thỏa thuận trong khuôn khổ AUKUS, thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ đã ký với Astralia, tăng cường hợp tác về khí hậu, khoáng sản quan trọng và năng lượng sạch.
Điều này cho thấy, Australia vẫn hết sức coi trọng quan hệ với Mỹ, đồng minh truyền thống của mình.
Các chuyến thăm trên thể hiện sự linh hoạt, năng động và có phần thực dụng hơn trong chính sách đối ngoại của Australia dưới thời Thủ tướng mới, khi vừa củng cố, duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, vừa cải thiện, đưa quan hệ với Trung Quốc trở lại quỹ đạo phát triển.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt như hiện nay, có thể nói bước đi ngoại giao vừa qua của Australia là lựa chọn phù hợp, với ý nghĩa không chỉ giúp Australia cải thiện quan hệ với cường quốc kinh tế số 2 thế giới, đối tác hàng đầu của Australia là Trung Quốc, đem lại lợi ích cho quốc gia, mà còn giúp Australia tránh bị ở vào thế kẹt trong cạnh tranh nước lớn hiện nay.