SGGP
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành y tế đang dần trở thành xu hướng, có chức năng bổ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân, giảm áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ.
Theo các chuyên gia, với sự hậu thuẫn của AI, ngành y tế sẽ có bước phát triển vượt trội trong hoạt động khám, chẩn đoán bệnh, xác định phác độ điều trị bệnh nhân, quản lý bệnh viện…
Trong lĩnh vực y tế, có thể kể đến dự án “Khai thác bệnh án điện tử với AI” do GS-TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) làm chủ nhiệm.
Dự án được thực hiện tại Đại học Quốc gia TPHCM, giai đoạn 2016-2021 và đưa vào triển khai, ứng dụng tại các bệnh viện từ đầu năm 2019. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, dự án chú trọng sử dụng AI để phát triển các công cụ thu thập, truy xuất dữ liệu, khai thác bệnh án bệnh nhân, sử dụng AI để phân tích dữ liệu y học, xử lý văn bản lâm sàng, chuyển bệnh án điện tử thành dữ liệu chung dưới dạng số và văn bản… từ đó hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân.
Việt Nam hiện có khoảng 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, với khoảng 135 bệnh viện hạng 1 trở lên. Để công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, từ năm 2019 đến nay, Bộ Y tế đã và đang đẩy mạnh phát triển y tế thông minh. Trong đó, ứng dụng bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh được bắt buộc triển khai từ tháng 3-2019. Giai đoạn 2024-2028, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước phải triển khai bệnh án điện tử – phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới có 37/135 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, đạt 20% chỉ tiêu mà Bộ Y tế đề ra. “Bệnh án điện tử là nguồn tài nguyên phục vụ công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu y học và AI là thành phần cốt lõi để phát triển công cụ cơ bản cho phép khai thác các tính năng của bệnh án điện tử. Mục tiêu của dự án hướng tới việc ứng dụng AI để xây dựng hạ tầng số; trong đó, mọi công dân đều có thể quản lý hồ sơ sức khỏe của mình như tài sản riêng. Ngoài ra, việc kết nối bệnh án điện tử giữa các bệnh viện còn tạo cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia, từ đó góp phần giúp chuyển đổi số trong ngành y tế tại Việt Nam thành công”, GS-TSKH Hồ Tú Bảo chia sẻ.