Tiêu dùng nội địa khởi sắc
Nhận định về thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam – cho biết, từ tháng 7.2023, tiêu dùng nội địa đã trở về mức bằng giai đoạn trước dịch COVID-19.
Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã có sự vực dậy nhất định. Giai đoạn 2019-2020, bán lẻ hiện đại đóng góp 24% thị phần bán lẻ, trong dịch còn 16 – 18% và đến nay đã quay lại 24%.
Theo Sở Công Thương TPHCM, doanh thu 10 tháng đầu năm 2023 ngành bán lẻ thành phố đạt 577.764 tỉ đồng, tăng 11,6%. Từ nay tới cuối năm 2023 và năm 2024, ngành Công Thương TPHCM đã tham mưu UBND thành phố một số giải pháp. Cụ thể, thành phố sẽ chú trọng các nội dung về giá cả hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, tăng lượng hàng bình ổn thị trường, nhất là phục vụ Tết 2024.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM – cho biết: “Từ đây đến cuối năm cũng là cao điểm người tiêu dùng mua sắm. Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình kết nối cung – cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành để có nguồn hàng hóa dịp cuối năm bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá bình ổn nhất cho người tiêu dùng”.
Doanh nghiệp chủ động nguồn cung hàng Tết
Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Duy Phương – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn – thông tin, để chuẩn bị cho dịp Tết 2024, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) đang mời gọi thêm một số đối tác tham gia vào quá trình giết mổ nhằm tăng nguồn thịt heo cung ứng ra thị trường.
“Công ty chúng tôi cung cấp những sản phẩm với nhiều chính sách ưu đãi từ 10-20%. Hiện Sargi có những trang trại, nhà máy trực thuộc nên đơn vị chủ động được nguồn hàng đầy đủ. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham gia Chương trình bình ổn của TPHCM, hàng hóa và giá cả luôn ở mức đảm bảo, bình ổn cho thị trường” – ông Phạm Duy Phương chia sẻ.
Thời điểm này, phía các hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn TPHCM cũng đang đẩy mạnh sản xuất để tăng nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm dịp Tết.
Theo ông Mai Văn Khánh – đại diện Hợp tác xã Sản xuất thương mại rau sạch GAP, đối với TPHCM lượng tiêu thụ hàng hóa rất lớn, để đáp ứng nhu cầu cung ứng đơn vị phải chủ động triển khai các khu vực trồng. Đặc biệt, hợp tác xã đã mở rộng vườn trồng để đáp ứng sản lượng vào dịp cuối năm.
“Theo đánh giá tổng quan của chúng tôi, lượng hàng cho dịp Tết 2024 có thể tăng lên 5%, mức giá có thể tăng từ 5-10% so với năm 2023 và 2022” – ông Khánh cho hay.