Cụ thể, giá dầu Brent giảm 2,07 USD, tương đương 2,5%, xuống mức 79,70 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 2,04 USD, tương đương 2,6%, xuống mức 75,33 USD.
Theo giới phân tích, giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và nhu cầu chậm lại.
Dù Trung Quốc tăng khối lượng dầu nhập khẩu trong tháng 10 nhưng tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này lại giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Điều này cho thấy kinh tế Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi như kỳ vọng, làm gia tăng lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ suy yếu.
Theo cuộc thăm dò mới đây của Reuters, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tính bằng USD của Trung Quốc giảm 6,4% trong tháng 10.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đưa ra dự báo rằng tổng mức tiêu thụ xăng dầu của nước này sẽ giảm 300.000 thùng/ngày trong năm nay, trái ngược với dự báo tăng 100.000 thùng/ngày trước đó.
Cũng gây áp lực lên giá là lượng tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng gần 12 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3.11, gấp gần 9 lần so với mức tồn kho của tuần trước đó, theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ.
Cùng với đó, giá dầu đi xuống còn do những lo ngại về mùa đông ấm hơn dự đoán có thể làm giảm nhu cầu năng lượng và nhiên liệu.
Về phía cung, các nhà phân tích từ Goldman Sachs ước tính xuất khẩu dầu bằng đường biển của 6 quốc gia thuộc OPEC sẽ chỉ thấp hơn 600.000 thùng/ngày so với mức tháng 4. OPEC đã công bố cắt giảm sản lượng lên tới 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4 năm nay.
Ở một diễn biến khác, Moscow đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với một số loại xăng. Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2024 thêm 4 USD xuống còn 93 USD/thùng.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9.11 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.614 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.929 đồng/lít; dầu diesel không quá 21.940 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.305 đồng/lít; dầu mazut không quá 16.240 đồng/kg.