Thế giới có hai vaccine được phê duyệt, hiệu quả chỉ 60 và 73%, còn thuốc kháng virus đang được gấp rút nghiên cứu trong bối cảnh ca mắc mới tiếp tục tăng cao.
Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng trên thế giới. Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu thống kê hơn 4,2 triệu ca mắc tính đến ngày 2/10. Ca mắc lan rộng tới nhiều quốc gia, trong đó có miền nam châu Âu.
Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ, tổ chức tại Chicago, Illinois vừa qua, các nhà nghiên cứu đã chia sẻ kết quả mới nhất về vaccine, thuốc kháng virus sốt xuất huyết. Trong đó, vaccine hoàn hảo cần hiệu quả 90% ngừa 4 chủng virus nói trên, đồng thời có cùng mức độ hiệu quả trên nhóm đã mắc bệnh và chưa mắc. Thế giới chưa có mũi tiêm nào đạt tiêu chuẩn này.
Vaccine Dengvaxia do Sanofi sản xuất đã được Mỹ phê duyệt, tỷ lệ hiệu quả tổng thể là 60%. Tuy nhiên, mũi tiêm khuyến nghị cho người từng mắc bệnh. Ở những người chưa mắc sốt xuất huyết, chủng ngừa có thể làm tăng nguy cơ trở nặng do cơ chế tăng cường phụ thuộc vào kháng thể.
QDenga do Công ty Takeda sản xuất ở Nhật Bản, được chứng minh an toàn cho mọi người. Tỷ lệ hiệu quả tổng thể là 73%. Có 4 loại virus (còn là tuýp huyết thanh) gây sốt xuất huyết, gồm DENV-1, DENV-2, DENV-3, DENV-4; vaccine hiệu quả thấp hơn đối với chủng DENV-3 và chưa có bằng chứng ngừa DENV-4 thuyết phục.
Còn TV003 do Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ phát triển, đang thử nghiệm ở Brazil thử nghiệm trên hơn 16.000 người. Dữ liệu theo dõi cho thấy hiệu quả tổng thể của vaccine là 80%. Tuy nhiên, các nhà khoa học thiếu dữ liệu về hiệu quả ngừa một số kiểu huyết thanh, do DENV-3 và DENV-4 không được lưu hành rộng rãi.
Còn thuốc kháng virus đang được nhiều công ty gấp rút nghiên cứu. Công ty dược phẩm Janssen ở Beerse, Bỉ, đã chia sẻ dữ liệu về thuốc JNJ-1802 ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết, dùng dưới dạng thuốc viên. 6 trong số 10 người tham gia dùng thuốc thử nghiệm liều cao không phát hiện virus trong máu, trong khi những người dùng giả dược phát hiện mầm bệnh trong máu sau 5 ngày. Ở nhóm uống thuốc liều thấp hoặc trung bình, virus xuất hiện muộn hơn.
Dù kết quả hứa hẹn, chuyên gia cho rằng có thể không khả thi, quá tốn kém khi cung cấp thuốc mỗi ngày cho toàn bộ người dân vùng dịch. Bên cạnh đó, nhiều người sẽ dùng thuốc để phòng bệnh khi không cần thiết.
Chi Lê (Theo Nature)