Thường trực Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 để phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Thường trực Chính phủ lưu ý sử dụng tối đa nguồn điện trong nước.
Cụ thể, với nguồn năng lượng tái tạo, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện với EVN.
“Việc này nhằm tận dụng khai thác tối đa các nguồn điện có sẵn, tránh lãng phí trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công khai, minh bạch, không tiêu cực, lợi ích nhóm”, kết luận nêu rõ.
Bộ Công thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021, nhằm đưa vào Nghị quyết nội dung giao Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát triển từ năng lượng tái tạo với khách hàng lớn và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái đối với nhà ở, công sở và khu công nghiệp tự sản tự tiêu. Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công thương tham mưu Chính phủ có văn bản chính thức gửi Quốc hội.
Trên cơ sở đó, thống kê, tổng hợp báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trước ngày 10.11 các dự án nguồn điện có vướng mắc về pháp lý, kỹ thuật mà chưa được đưa lên lưới hoặc được đưa lên lưới nhưng không sử dụng hết công suất – có giải pháp để tránh lãng phí tài sản nhà nước, doanh nghiệp.
Về nhập khẩu điện, giao cho EVN chủ trì cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, các cơ quan liên quan tính toán, cân đối sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước, trường hợp cần thiết có thể tính toán phương án mua điện trực tiếp từ Lào, Trung Quốc nhưng phải chủ động sớm dự báo chính xác.
Về thủy điện, Thường trực Chính phủ cũng lưu ý việc bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào thời gian cao điểm mùa hè (tháng 5, tháng 6 hằng năm) và có tính toán dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.
Với điện than, hiện vẫn chiếm gần 50% sản lượng điện toàn hệ thống. Do đó, tại bản kết luận này, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện từ nguồn này. Với chủ đầu tư các nhà máy điện than trong cả nước, đặc biệt là tại miền Bắc, Thường trực Chính phủ yêu cầu có kế hoạch kiểm tra, sửa chữa, bảo trì phù hợp… để hạn chế tối đa các sự cố tổ máy trong những tháng cao điểm.
Bộ Công thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, EVN cũng được yêu cầu thống kê lại các dự án BOT chậm tiến độ để có nguồn thay thế bổ sung phù hợp, xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 15.11. Thường trực Chính phủ lưu ý: “Quá hạn theo quy định thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc chấm dứt hợp đồng. Việc này ta phải nắm quyền chủ động”.