Chiều 7/11, Bộ Công an tổ chức hội thảo “Kết nối, chia sẻ dữ liệu số góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, hiện đại”. Thừa uỷ quyền lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng, Tiến sĩ Dương Văn Tính – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Công an chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các nhà khoa học, diễn giả trong và ngoài ngành công an.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thiếu tướng Dương Văn Tính khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Trong đó, dữ liệu số và nền tảng số là hai thành tố cơ bản trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
“Đặc trưng của thời kỳ chuyển đổi số là xây dựng các nền tảng số dùng chung và kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để các cơ quan nhà nước nắm bắt, chia sẻ, khai thác thông tin và cộng tác với nhau tốt hơn”, Thiếu tướng Dương Văn Tính nêu.
Theo Thiếu tướng Tính, Bộ Công an trong những năm qua luôn quan tâm chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt công tác công an và xác định đây là công cụ hữu hiệu tạo lập giải pháp, biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác và chiến đấu. Thống kê cho thấy, hiện nay ngành công an có hàng trăm hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm đang triển khai theo các dự án tại các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Tính các hệ thống nêu trên chủ yếu triển khai theo ngành dọc, chưa kết nối và chia sẻ khai thác chung nên chưa liên thông dữ liệu. Từ đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dữ liệu ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu và khai thác tài nguyên này nhằm xây dựng lực lượng công an chính quy, hiện đại.
Theo Thiếu tướng Dương Văn Tính, hội thảo được triển khai với mong muốn trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn làm rõ cơ sở pháp lý triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trong Bộ Công an và giữa Bộ Công an với các Bộ, ban, ngành liên quan. Đồng thời, qua hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp, nền tảng công nghệ quản trị, vận hành và đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu khi triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến từ các chuyên gia trên lĩnh vực công nghệ thông tin đã phát biểu tham luận xoay quanh chủ đề được đề cập. Trong số đó, ông Hà Thái Bảo – Phó TGĐ Công ty Công nghệ thông tin VNPT (Tập đoàn VNPT) đã chia sẻ giải pháp, cách thức xây dựng, khai thác trục tích hợp dữ liệu, một số mô hình tiêu biểu về trục tích hợp dữ liệu.
Đáng chú ý, tham luận với chủ đề giải pháp kỹ thuật tích hợp dịch vụ công thiết yếu lên cổng dịch vụ công quốc gia của TS. Nguyễn Đình Lợi – Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã nêu lên mô hình tổng thể và kết quả triển khai qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Thống kê cho thấy, đến nay trên cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.535 thủ tục hành chính, với 2,7 tỷ lượt truy cập và có hơn 10 triệu tài khoản đăng ký. Trong đó, có đến gần 250 triệu hồ sơ được đồng bộ, trên 10,7 triệu hồ sơ thực hiện qua cổng dịch vụ công… Với kết quả trên đã khẳng định vai trò của việc tích hợp dịch vụ công thiết yếu với cổng dịch vụ công quốc gia đã phát huy vai trò rất lớn, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Ngoài việc nhấn mạnh vai trò của việc kết nối chia sẻ dữ liệu, việc đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số cũng được truyền tải qua bài tham luận của ông Vũ Ngọc Sơn – Uỷ viên BCH Hiệp hội an ninh mạng quốc gia.
Ông Sơn đề cập đến thực trạng đảm bảo an toàn thông tin ở nước ta hiện nay và nhấn mạnh: Năm 2021, mã độc tống tiền tăng 200% so với năm 2020; Năm 2022, Cục An toàn thông tin xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng trong 11 tháng đầu năm; 54.8% hệ thống được phê duyệt hồ sơ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ…
Hậu quả, theo ông Sơn là dữ liệu bị đánh cắp và đi kèm đó là tê liệt hệ thống và làm tổn hại uy tín tổ chức. Từ thực trạng trên, ông Vũ Ngọc Sơn đề cập đến hàng loạt kĩ năng nhằm đảm bảo an toàn thông tin trong quản trị dữ liệu.
Là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số của Bộ Công an, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã góp phần thúc đẩy, triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Một trong số đó là việc thu thập dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với các đơn vị.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, PGĐ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư nhấn mạnh, sau 1 năm 9 tháng triển khai Đề án 06, đến nay lực lượng Công an cấp hơn 84 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử đã được cấp cho 100% công dân đủ điều kiện; lần đầu tiên Việt Nam có nền tảng định danh quốc gia, đến nay đã thu nhận trên 68 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID), kích hoạt gần 47 triệu tài khoản.
Các dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh thực hiện với bước đột phá là 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân. Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ.
Đáng chú ý, theo Thượng tá Tuấn, các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ. Điển hình như: xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt (đến nay đã có 38/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho 236.832 người với số tiền hơn 323,5 tỷ đồng); xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân tại các cơ sở khám chữa bệnh; dùng căn cước công dân, ứng dụng VNeID tạo lập tài khoản và giám sát việc thu thuế…
Về phương án chia sẻ thông tin, dữ liệu cho Chính phủ và bộ, ngành, địa phương, Thượng tá Tuấn cho biết: Bộ Công an đang thực hiện việc quản trị dữ liệu toàn bộ công dân Việt Nam với 3 nền tảng dữ liệu và nền tảng pháp lý Đề án 06. Ngoài ra, Bộ Công an đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ thu thập, cập nhật, làm giàu dữ liệu, tạo bộ dữ liệu dùng chung tiến tới xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia của Chính phủ.
“Dữ liệu mở là xu hướng tất yếu của chuyển đổi số, dữ liệu mở là nguyên tắc để dữ liệu được tương tác và là một trong những điều kiện tự nhiên, cốt lõi để đảm bảo ‘đúng – đủ – sạch – sống’ và là điều kiện tiên quyết xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số hiện nay”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Kết luận hội thảo, Thiếu tướng Dương Văn Tính khẳng định, thông qua hội thảo đã nhất trí đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ giải pháp phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong thời gian tới.
Cụ thể, Thủ trưởng Công an các đơn vị cần tập trung chỉ đạo công tác xác định và phân loại dữ liệu khác nhau; tiếp đến là hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng hạ tầng công nghệ trong CAND tiến đến ứng dụng công nghệ trong tất cả đơn vị trong ngành. Việc ứng dụng này phải đi kèm với việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.