Hiện nay, tỷ lệ đo đạc bản đồ địa chính chính quy của tỉnh Lai Châu mới đang thực hiện được một số xã, thị trấn của 4/8 huyện, thành phố, gồm: TP. Lai Châu, Than Uyên, Phong Thổ và Sìn Hồ. Riêng huyện Nậm Nhùn với chỉ đo đạc được 5/11 xã và còn 1 xã của huyện Than Uyên cùng với 3 huyện Tân Uyên, Tam Đường và Mường Tè, một số điểm tái định cư của các dự án thủy điện chưa được đo đạc bản đồ địa chính chính quy.
Trao đổi vấn đề này với PV, ông Ngô Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Lai Châu đã chi số tiền gần 65 tỷ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 4 huyện, thành phố. Nếu tính cả kinh phí năm nay tỉnh cấp kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của Tam Đường thì phải lên đến 119 tỷ đồng. Đó là số tiền không nhỏ đối với Lai Châu, song tỉnh nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm phục vụ cho công tác quản lý đất đai được tốt hơn. Cũng chính vì nguồn kinh phí xây dựng cơ sở đất đai lớn, nên mỗi năm Lai Châu phấn đấu làm 1 huyện theo hình thức cuốn chiếu. Sau khi chúng tôi xây dựng cơ sở dữ liệu của Tam Đường thì sẽ làm tiếp đến huyện Mường Tè, rồi chuyển tiếp sang các xã còn lại của huyện Nậm Nhùn – Ông Hùng nói.
Được biết, ngày 30/1/2023, UBND tỉnh Lai Châu, ban hành Quyết định số 120/QĐ-UBND, phê duyệt Kỹ thuật – dự toán Đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính 10 xã (trừ xã Nà Tăm, Hồ Thầu và trấn Tam Đường) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các xã, thị trấn huyện Tam Đường.
Theo đó, tỉnh Lai Châu quyết định giao cho Sở TN&MT làm chủ đầu tư để triển khai công tác đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính của 10 xã của huyện Tam Đường và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho cả huyện Tam Đường, tổng dự toán trên 54 tỷ đồng. Riêng 3 xã Nà Tăm, Hồ Thầu và thị trấn Tam Đường huyện Tam Đường có trách nhiệm bổ sung kinh phí để thực hiện.
Trước đó, cơ sở dữ liệu đất đai của 4 huyện, thành phố đã được đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hiện nay đang được vận hành, triển khai ổn định ở cả 3 cấp và được Văn phòng đăng ký đất đai, thực hiện theo dõi cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, in giấy chứng nhận trên cơ sở dữ liệu phần mềm Vilis 2.0.
Căn cứ vào lộ trình thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của Lai Châu, không bao lâu địa phương sẽ có được đầy đủ dữ liệu đầu vào, thông tin từ đất đai. Nếu được hoàn chỉnh sẽ giúp phát huy hiệu quả mô hình văn phòng đăng ký một cấp. Trong mô hình đó, người dân có thể nộp hồ sơ ở bất kỳ chi nhánh nào của văn phòng đăng ký, cán bộ xử lí chỉ cần lên mạng dùng chung lấy thông tin địa chính đều có thể xử lý được.
Ví dụ như thông tin một thửa đất tại huyện Nậm Nhùn, chỉ cần điền một trong các thông tin như: địa chỉ, số tờ, số thửa, tọa độ, tên chủ sở hữu hoặc dùng mã định danh căn cước công dân thì sẽ có được đầy đủ thông tin thửa đất có quy hoạch gì, cấp giấy chưa, loại đất gì, giá bao nhiêu, qua bao nhiêu lần chuyển nhượng, có nhà hay chưa, có bị tranh chấp khiếu nại gì không… Đây là một trong những tính ưu Việt của việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai… dựa trên hệ thống cập nhật dữ liệu. Đáp ứng được các yếu tố đó mới thực sự đảm bảo về chuẩn xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định.