Nêu vụ việc Hoa hậu Ý Nhi và phim “Đất rừng phương Nam” bị cộng đồng mạng ‘dập cho tơi bời’, ĐBQH đặt câu hỏi giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị bạo lực mạng.
Trong phiên chất vấn chiều 7/11, đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn TP.HCM đặt câu hỏi về vấn đề bạo lực mạng: “Giải pháp nào để bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng bạo hành?”.
“Ví dụ vụ việc Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị cộng đồng mạng “dập cho tơi bời” thì ai là người bảo vệ họ, cách bảo vệ như thế nào hay là phải chờ cá nhân khiếu nại, kiến nghị, làm đơn?” – đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu vấn đề chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng trả lời câu hỏi này.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để tháo gỡ và ngăn chặn các thông tin xấu độc ảnh hưởng đến văn hoá, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, và cũng đang bàn đến, xem xét xử lý.
Ở góc độ khác là tác động của giới văn nghệ sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đã ban hành Quy tắc ứng xử đối với đội ngũ làm công tác nghệ thuật, có tính chất hướng dẫn về mặt đạo đức để tổ chức thực hiện.
Nói về nội dung bộ phim Đất rừng phương Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch thông tin, Hội đồng thẩm định phim đã họp xem xét, cấp phép công chiếu. Bộ phim theo đánh giá của Hội đồng không vi phạm Luật Điện ảnh.
“Còn chuyện dư luận cho rằng có biểu hiện này, biểu hiện khác thì đó là những dư luận chưa thực sự chuẩn xác, cần phải được xem xét, tính toán để xử lý theo quy định nếu có vấn đề xúc phạm, bôi xấu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Trước câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu về bảo vệ người dùng trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện nay quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong thời gian cuối năm nay. Đây là nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư sẽ xử lý thế nào.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cần có thể chế để hỗ trợ người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả quốc gia, nhưng cũng cần thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn tại các tỉnh để hỗ trợ người dân trong năm nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp Với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm để mang tính răn đe cao. Đồng thời, Bộ có phương án, giải pháp xây dựng văn hóa số, xây dựng văn hoá ứng xử đưa vào chương trình đào tạo phổ thông, giáo dục thông tin, lồng ghép vào các giờ học về công nghệ thông tin…
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã hình thành nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân để tự bảo vệ mình, biết cách ứng xử, tăng sức đề kháng trên không gian mạng.
“Câu chuyện không gian mạng hiện nay mới mẻ với khá nhiều người, cũng có nhiều tệ nạn cho nên truyền thông để nhận thức xã hội, cho người dân biết được hiện tượng xấu để biết cách tránh và xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm.