Đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi danh giá, Nguyễn Tuấn Phong trở thành ‘hiện tượng’ của Bắc Ninh khi là học sinh đầu tiên của tỉnh giành huy chương vàng Olympic quốc tế tự nhận bản thân ‘rất bình thường’.
– “Tôi sinh ra trong một gia đình không quá khá giả nhưng luôn tạo cơ hội để con cái học trong môi trường tốt nhất. Từ năm cấp III, tôi đã quen với cuộc sống tự lập, dọn vào ở ký túc xá do trường cách nhà hơn 30 cây số. Mà môn học tôi theo đuổi đầu tiên là toán chứ không phải vật lý”, Tuấn Phong mở đầu câu chuyện bằng một “bí mật” ít người biết.
Thất bại có khi là may mắn
* Vì sao lựa chọn ban đầu là toán nhưng lại cơ duyên với vật lý?
– Thời cấp II, tôi cũng như nhiều bạn khác chỉ hướng đến môn toán bởi nghĩ đây là môn quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên tôi học không theo kịp chúng bạn trong đội tuyển, đỉnh điểm là đứng chót bảng trong kỳ thi cấp huyện. Dĩ nhiên tôi bị sốc nhưng sau này tôi biết ơn thất bại đó bởi nhờ nó mà tôi bén duyên với môn vật lý.
Môn học mới mẻ này giúp tôi nhận ra mình có cơ hội áp dụng một cách gần gũi hơn, giải quyết các vấn đề hay bài toán một cách có hồn hơn. Theo thời gian, niềm hứng thú của tôi dành cho vật lý ngày một lớn và thấy thất bại trên hóa ra lại là may mắn, đem đến một cánh cửa khác phù hợp hơn.
* Nhiều người cho rằng bạn ắt hẳn có trí thông minh vượt trội nên việc học đầy nhẹ nhàng?
– Tôi nghĩ sự thông minh chỉ là chất xúc tác giúp chúng ta học tập một cách tư duy, bớt căng thẳng hơn. Còn việc chinh phục thành tích cao đòi hỏi bất kỳ ai cũng phải nỗ lực ngày đêm.
Không thể nào tồn tại một người có trí tuệ chỉ cần vài ngày là có kinh nghiệm, hiểu thấu được những vấn đề mà nhiều người khác mất cả tháng, cả năm trời học tập, nghiên cứu để nắm được. Hiện rất nhiều kiến thức liên quan mật thiết đến trải nghiệm sống.
Hoàn thiện kỹ năng của bản thân
* Ngoài sự nỗ lực và thái độ đúng, bạn nghĩ người trẻ cần yếu tố nào khác để học tập hiệu quả?
– Lại là một thất bại khác ở bản thân mà tôi nghĩ nó có ý nghĩa và muốn chia sẻ. Trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á, tôi đã rơi xuống vị trí thứ hai của đội tuyển Việt Nam, thua một bạn mà mình thường “đánh bại” trước đó.
Ngồi ngẫm lại, tôi nhận ra kỳ thi trên không cần sự chính xác tuyệt đối trong bài giải, trong khi tôi thuộc típ người rất tỉ mỉ và điều này làm tốn thời gian không đáng. Mỗi cuộc chơi đều có nguyên tắc riêng và để chinh phục, đôi khi chúng ta đừng nên cầu toàn quá.
Thay vào đó hãy cố hiểu rõ cuộc thi và tập trung hướng đến việc trở nên phù hợp nhất với các tiêu chí.
* Có điều gì ở bản thân mà bạn cần hoàn thiện?
– Những năm cuối phổ thông của tôi đa phần chỉ quây quần cùng đội tuyển, học ở khu riêng nên ít tiếp xúc với chúng bạn, khó có thời gian cho những hoạt động rèn luyện khác.
Chính vì vậy tôi nghĩ bản thân còn nhiều điểm hạn chế như tiếng Anh hoặc khả năng giao tiếp. Tôi hiện tập trung hoàn thiện các kỹ năng trên của bản thân cũng như nhiều điểm khác nữa.
Tôi thích một cuộc sống bình lặng, có kinh tế đủ để lo cho gia đình và sở thích cá nhân đã đồng nghĩa thành công, hạnh phúc.
Còn tham vọng hơn chút có lẽ sẽ là nỗ lực giành học bổng du học tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST), lấy bằng tiến sĩ và nghiên cứu, chế tạo được thứ gì đó để sau này tên mình ít nhiều được lưu lại trong trí nhớ mọi người.
Bảng vàng ấn tượng
Nguyễn Tuấn Phong (cựu học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh) từng đoạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn vật lý năm lớp 11, giải nhất kỳ thi quốc gia này năm lớp 12. Bạn cũng đoạt huy chương bạc kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu 2022, huy chương đồng kỳ thi Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương 2023…
Tuấn Phong đã tạo “kỳ tích” khi đoạt huy chương vàng (thí sinh cao điểm nhất đoàn Việt Nam) kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2023 và được tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Kỳ thi này do Nhật Bản đăng cai vào tháng 7-2023 với sự tham gia của 398 thí sinh đến từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuoitre.vn