Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Bắc Kinh hôm 6/11, cho thấy sự tan băng trong mối quan hệ giữa 2 nước.
Bắc Kinh và Canberra nên là “đối tác tin cậy và đáp ứng lẫn nhau”, ông Tập Cận Bình nói với ông Albanese – nhà lãnh đạo Úc (Australia) đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ năm 2016.
Ông Albanese cũng là lãnh đạo đầu tiên của nhóm AUKUS đến thăm Bắc Kinh kể từ khi liên minh an ninh 3 bên được thành lập cùng với Anh và Mỹ vào năm 2021.
Quan hệ dựa trên lợi ích
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Úc, ông Tập Cận Bình cho biết quan hệ song phương hiện đã “trên đà cải thiện và phát triển”, đồng thời cho biết thêm rằng các hoạt động trao đổi đã được nối lại và một số vấn đề đã được giải quyết, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.
“Hai nước không có mối hận thù lịch sử hay xung đột lợi ích cơ bản”, ông Tập nói. “Trung Quốc và Úc nên đi theo xu hướng của thời đại và xây dựng mối quan hệ Trung-Úc dựa trên lợi ích chung của 2 nước, trong đó chúng ta đối xử với nhau bình đẳng, tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu quan điểm về những khác biệt và cùng hợp tác đôi bên cùng có lợi”.
Ông Tập chỉ trích những động thái ông cho là nhằm hình thành “bè phái, chính trị nhóm và đối đầu khối” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói rằng những nhóm nhỏ như vậy không thể giải quyết những thách thức lớn mà toàn cầu đang phải đối mặt cũng như không thể thích ứng với những thay đổi lớn đang diễn ra trong thế giới.
“Về những nỗ lực gây bất ổn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta phải vừa cảnh giác vừa phản đối chúng”, ông Tập nói nhưng không đề cập đến liên minh AUKUS hay nhóm “Bộ tứ” (Quad) – một nhóm an ninh địa chính trị khác bao gồm Úc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Ông Tập cũng đề nghị với ông Albanese rằng 2 nước nên tận dụng tối đa tiềm năng của Hiệp định Thương mại Tự do Trung-Úc (ChAFTA) và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như biến đổi khí hậu và nền kinh tế xanh, cũng như hợp tác với bên thứ ba để giúp đỡ các quốc đảo Nam Thái Bình Dương.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Thủ tướng Úc rằng các động thái “tách rời, tái cơ cấu chuỗi cung ứng hoặc giảm thiểu rủi ro” về cơ bản là chủ nghĩa bảo hộ đi ngược lại quy luật của thị trường tự do.
Trung Quốc theo đuổi chiến lược mở cửa các bên cùng có lợi và thúc đẩy toàn diện việc xây dựng đất nước hùng mạnh và trẻ hóa đất nước thông qua hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Điều này sẽ mang lại những cơ hội chưa từng có cho Úc và các nước khác trên thế giới, ông Tập nói.
Hai vấn đề riêng biệt
Về phần mình, ông Albanese cho biết Úc quan tâm đến sự tăng trưởng ổn định liên tục của nền kinh tế Trung Quốc và sự tham gia liên tục của nước này với thế giới, theo một tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Úc.
“Và tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ sự hiểu biết sâu rộng hơn đến từ đối thoại cấp cao và liên kết giữa con người với con người”, nhà lãnh đạo Úc nói. “Khi có sự khác biệt, điều quan trọng là chúng ta phải có sự giao tiếp. Từ sự giao tiếp sẽ mang đến sự hiểu biết”.
Trước cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Albanese ám chỉ rằng ông Tập là người luôn giữ lời. “Ông ấy chưa bao giờ nói bất cứ điều gì với tôi mà không được thực hiện”, ông Albanese nói.
Quan hệ Trung-Úc trở nên căng thẳng do một loạt các vấn đề, bao gồm tranh chấp về công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, các cáo buộc gián điệp và nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Sau một năm rưỡi nỗ lực nhằm xây dựng lại quan hệ giữa 2 nước, ông Albanese cho biết ông đã tìm cách thúc đẩy mối quan hệ Trung-Úc mà theo ông hiện nay là “lành mạnh và ổn định”.
Thủ tướng Albanese đã thành công trong việc giảm bớt căng thẳng kinh tế giữa Trung Quốc và “xứ sở kangaroo”. Hầu hết các rào cản thương mại áp đặt do tranh chấp ngoại giao vào năm 2020, khiến các nhà xuất khẩu Úc thiệt hại 20 tỷ đô Úc (13 tỷ USD), kể từ đó đã được dỡ bỏ.
Theo ông Koh King Kee, người đứng đầu tổ chức tư vấn quan hệ quốc tế Center for New Inclusive Asia (Malaysia), ông Albanese là một “chính trị gia rất thực dụng”, ưu tiên cân nhắc kinh tế hơn các vấn đề quân sự trong vòng đàm phán mới nhất với Bắc Kinh.
“Không gì thay thế được cho thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc, và với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, nhu cầu về hàng hóa nhập khẩu sẽ chỉ tăng lên”, ông Koh nói, cho biết thêm rằng nhiều hàng hóa của Úc, bao gồm rượu vang, thịt đỏ và hải sản, đều phụ thuộc vào doanh số bán hàng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, vị chuyên gia bổ sung rằng thương mại Trung-Úc và các liên minh quân sự của Úc, chẳng hạn như AUKUS, là 2 vấn đề riêng biệt và sẽ có rất ít thay đổi liên quan đến vấn đề số 2.
Thủ tướng Úc Albanese và phái đoàn của ông kết thúc chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 7/11.
Minh Đức (Theo SCMP, UPI, People’s Daily Online)