Doanh thu mỗi năm trên thương mại điện tử đạt 16-19 tỉ USD
Sáng 7.11, Quốc hội dành hơn một giờ tiếp tục chất vấn thành viên Chính phủ về nhóm lĩnh vực: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Quốc hội Lê Đoàn An Xuân (Đoàn Phú Yên) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, nhất là qua các kênh bán hàng online.
Nhiều vụ việc được người dân, cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay nhưng không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước. “Vậy đến bao giờ, Bộ Công Thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này?”, đại biểu nêu.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của kinh tế số. Ở Việt Nam, vừa qua, doanh thu mỗi năm trên thương mại điện tử đạt 16-19 tỉ USD và tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm, nhưng cũng tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực.
Cho biết lực lượng quản lý thị trường đã xử lý nhiều vụ liên quan hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với quy mô lớn, ông Diên dẫn chứng hàng loạt vụ kiểm tra, xử lý các kho hàng hàng giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng.
“Những tháng đầu năm kiểm tra 523 vụ, xử lý 497 vụ, phạt tiền 7,8 tỉ đồng và giá trị hàng hóa 3,6 tỉ đồng”, Bộ trưởng thông tin.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vừa qua, Bộ Công Thương đã bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, chủ sàn giao dịch điện tử, gỡ bỏ thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ. Đồng thời, đã phối hợp rà soát, phát hiện vi phạm qua bán hàng online; phối hợp với mạng xã hội xây dựng kênh báo cáo hỗ trợ xử lý các nội dung mua bán hàng hóa vi phạm trên nền tảng mạng xã hội.
Thời gian tới, ông cho biết, bên cạnh việc sửa những luật liên quan, sẽ phân cấp cho địa phương nhằm tăng cường quản lý toàn diện, chủ động yêu cầu chủ sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội phối hợp để rà soát, gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường chia sẻ dữ liệu kết nối thông tin phục vụ quản lý Nhà nước trong hoạt động thương mại điện tử.
Tiến độ Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 ra sao?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 gồm ba tổ máy có công suất là 1200 MW. Theo kế hoạch, tổ máy số 1 của nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2018. Đến nay là tháng 11.2023, tiến độ dự án đạt 78% khối lượng công việc hoàn thành so với hợp đồng và hiện nay dự án đang dừng triển khai chậm 5 năm so với dự kiến đưa vào vận hành.
Việc dừng thi công trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vật tư, thiết bị đang lưu ở kho bãi ở công trường có nguy cơ phải thay thế mới làm thiệt hại tài sản Nhà nước nếu không có biện pháp bảo quản hợp lý và kịp thời.
Bà đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết đã có giải pháp gì và thời gian nào để sớm trình Thủ tướng giải quyết vướng mắc, nhằm đưa Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 sớm vận hành?
Trả lời, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, từ năm 2010, dự án được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN làm chủ đầu tư. Đến 2014, PVN đã kí liên doanh nhà thầu với công ty của Nga. Tuy nhiên, đến khi dự án được 77-78% thì phát sinh vướng mắc từ năm 2018. Đến năm 2019, đối tác có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng do bất khả kháng.
Do không thỏa thuận được, hiện vụ việc đang do trọng tài thương mại quốc tế xử lý. Sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài thương mại quốc tế thì PVN mới có thể đưa ra phương án chính thức đối với dự án Long Phú 1, ưu tiên kế thừa tận dụng tối đa các nhà thầu phụ, nhà sản xuất, vật tư, thiết bị đã và đang tham gia dự án.
Với vai trò là chủ đầu tư dự án, Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo PVN có phương án thực hiện với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, đưa dự án vào vận hành sớm nhất.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao bảo đảm tái khởi động và hoàn thiện dự án sớm nhất, phấn đấu trong năm 2026, bảo đảm đúng luật pháp, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời giữ gìn mối quan hệ với các đối tác”, ông nói.