Để gìn giữ, lưu truyền văn hóa của dân tộc Lự đến các thế hệ sau, nhiều năm nay, Lai Châu đã tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa. Nghệ nhân Lò Thị Sọn, dân tộc Lự ở bản Nà Khum, xã Bản Hon, huyện Tam Đường năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn miệt mài lên lớp dạy những bài múa cổ hay làn những làn điệu dân ca, rộn ràng khắp các bản làng. Cụ Sọn, cho biết: Quá trình khai hoang, làm ruộng, làm nương, tôi sáng tác bài hát, nghĩ thêm điệu múa nào thì dạy lại cho con cháu. Đồng thời, truyền dạy, vận động người dân trong bản, nhất là thanh, thiếu niên tham gia luyện tập. Với những người lớn tuổi như chúng tôi, chỉ lo văn hóa truyền thống mai một, do đó, còn sức còn trao truyền, vận động con cháu kế thừa và phát huy. Rất vui vì nhiệm vụ này giờ đây có sự đồng hành tích cực của cả huyện và xã.
Để góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bản Hon đã thành lập 8 đội văn nghệ với 80 thành viên là hội viên, phụ nữ các bản tham gia luyện tập. Để phong phú, đa dạng các bài hát, điệu múa, các thành viên sưu tầm, dàn dựng những làn điệu dân ca như: hát trong đám cưới, hát mừng nhà mới, hát ru con và hát đối đáp với phương châm “hòa nhập” không “hòa tan.
Người Lự có quan niệm rằng, mọi vật đều có linh hồn, họ cho rằng việc ngự trị, quản lý, điều hành thế giới vạn vật là lực lượng siêu nhiên vô hình, do vậy, Lễ hội Sú Khon Khoài (Cúng hồn trâu) của đồng bào Lự xã Bản Hon (huyện Tam Đường) thường được tổ chức vào thời điểm hoàn thành gieo cấy vụ lúa. Các gia chủ tiến hành lễ cúng hồn trâu nhằm tạ ơn, cảm ơn loài vật này đã nỗ lực vất vả, đồng hành, cùng người dân lao động sản xuất để mang lại những vụ mùa bội thu. Đây là dịp tôn vinh nét đẹp, giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức giữ gìn, bảo tồn của thế hệ trẻ.
Ông Trần Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Hiện nay, các lễ hội của dân tộc Lự được đưa vào danh mục hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện phục dựng và duy trì. Một số giá trị văn hóa như trang phục và một số nghề thủ công truyền thống, các ngữ văn dân gian đang được địa phương đưa vào thực hiện truyền dạy. Cùng với đó là hỗ trợ các chính sách cho đội văn nghệ hoạt động quần chúng, câu lạc bộ văn hóa dân gian. Tỉnh cũng quan tâm xây dựng hồ sơ để vinh danh các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, những người nắm giữ thực hành di sản, tiếp tục phát huy vai trò trong việc truyền dạy, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Từ đó, giữ gìn vẹn nguyên các nét văn hóa đặc trưng dân tộc Lự, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của Lai Châu nói riêng, Việt Nam nói chung.
Ngoài các truyền thống văn hóa phi vật thể, trang phục truyền thống của dân tộc Lự cũng là một trong những nét đặc sắc nổi bật. Giống như đồng bào dân tộc Mông, hay đổng bào dân tộc Mảng, y phục của người Lực được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ với những họa tiết hoa văn tinh xảo, độc đáo. Đặc biệt, người phụ nữ thường mặc áo màu chàm, xẻ ngực, vạt trái đè lên vạt phải và buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ. Chị Lò Thị Đi – cán bộ văn hóa xã cho biết: Hàng ngày, phụ nữ Lự thường mặc váy áo chàm thêu móc đơn giản để thuận tiện cho công việc. Vào dịp lễ, tết, hoặc khi gia đình có khách quý, người phụ nữ mặc váy hai lớp với hoa văn trang trí 3 tầng rất bắt mắt.
Người Lự là dân tộc thiểu số có nét văn hóa, văn nghệ độc đáo rất riêng, nhưng cũng nhờ đó, góp phần tạo nên nền văn hóa Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, đa dạng sắc màu.