Nhiều đại học cho rằng mức chi 0,25-0,27% GDP cho giáo dục đại học là thấp, kiến nghị tăng 2-3 lần, song Thứ trưởng Tài chính nói khó vì ảnh hưởng tới các cấp còn lại.
Phát biểu tại Hội thảo về giáo dục đại học chiều 5/11, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, đánh giá mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học còn thấp.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2018-2020, ngân sách cho giáo dục đại học đạt 0,25-0,27% GDP, tương ứng 13.640-16.700 tỷ đồng. Nhưng con số thực tế có thể thấp hơn, khoảng 018%.
So với tổng chi cho giáo dục, mức chi cho giáo dục đại học chiếm khoảng 12-13%. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, 9/10 tổ chức công bố quốc tế nhiều nhất năm 2022 của Việt Nam là các trường đại học. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước về nghiên cứu khoa học cho các trường lại thấp nhất. Năm 2019, giáo dục đại học nhận được khoảng 16% ngân sách này, trong khi con số tương ứng cho các viện hoặc cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia là 44%.
Với Đại học Quốc gia TP HCM, ông Quân cho biết ba năm trở lại đây, ngân sách nhà nước liên tục giảm vì sáu trường trực thuộc đã tự chủ. Trong khi đó, Nghị quyết 19 năm 2013 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nêu rõ cần ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư và có cơ chế đặc biệt để phát triển một số trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, sớm đạt trình độ quốc tế.
Ông Quân cho rằng với mức ngân sách hiện tại, các trường đại học gặp khó khăn để phát triển đột phá, đạt chất lượng thế giới.
Đồng tình, GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận việc cắt giảm ngân sách nhà nước theo lộ trình chi thường xuyên làm các trường gặp khó khăn. Nguồn thu chính của các trường đại học đến từ học phí, chiếm 60-90% tổng số.
“Đại học Quốc gia Hà Nội được coi là cơ sở trọng điểm, được ưu tiên, nhưng thực sự vẫn rất khó khăn. Lương cơ sở tăng, ngân sách giảm, nguồn học phí cũng có giới hạn. Đây là bài toán tài chính rất khó cho giáo dục đại học”, ông Lê Quân nói.
Mức chi cho giáo dục đại học của Việt Nam còn thấp là vấn đề đã được nêu ra trong nhiều năm qua. Các chuyên gia cho rằng điều này khiến các mục tiêu về đổi mới sáng tạo, cải thiện chất lượng để tiệm cận với thế giới gặp nhiều thách thức.
Ông Vũ Hải Quân đề xuất tăng đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam lên mức 0,6-1% GDP, tương đương thêm 300-600 triệu USD một năm so với hiện nay. Đây là mức đã được Ngân hàng thế giới khuyến nghị. Với nghiên cứu khoa học, ông Quân đề nghị mức chi cần tăng từ 16 lên trên 30% ngân sách cho hoạt động này, tương đương 117 triệu USD.
Trước kiến nghị của các nhà giáo, Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng nếu tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học lên 1% GDP thì ngân sách chi tăng 2-3 lần so với hiện nay.
“Việc này sẽ tạo áp lực cho các cấp còn lại, nếu tổng mức chi cho giáo dục đào giữ nguyên mức 20% tổng chi ngân sách”, ông Hưng nói.
Theo báo cáo tham luận của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2018-2020 khi nguồn lực hạn hẹp, mức chi cho giáo dục đại học tăng từ 0,25 lên 0,27 GDP đã thể hiện sự quan tâm của nhà nước. Dù vậy, do quy mô ngân sách nhỏ, nên con số tăng tuyệt đối còn khiêm tốn. Ngoài ngân sách công, nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho các trường đại học về thuế, giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất…
Theo ông Hưng, thời gian tới, ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo, trong đó có giáo dục đại học, vẫn đảm bảo tối thiểu 20% như mục tiêu của Nghị quyết 29. Bộ Tài chính cũng cho rằng các đại học nên tìm cách đa dạng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, huy động nguồn lực xã hội, liên kết doanh nghiệp, giảm phụ thuộc vào ngân sách và học phí.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng nếu tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học lên khoảng 0,6% như đề xuất của giám đốc Vũ Hải Quân, con số tăng thêm là 300 triệu USD năm, tương đương 7.000 tỷ đồng, còn tổng chi cho giáo dục hiện khoảng 350.000 tỷ.
“Tăng đầu tư cho giáo dục đại học, so với tổng cơ cấu chung không phải quá lớn, mà cho hiệu quả cao”, ông Vinh nói, cho rằng cái khó là tăng như thế nào, về cái gì. Vì vậy, ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với các trường đại học để xây dựng phương án tăng ngân sách nhà nước.
“Tăng gì là phải cụ thể, có cơ sở, nếu chỉ nói tăng chi thường xuyên, bổ sung cũng khó”, ông Vinh nói thêm.
Thanh Hằng