Từ năm 1893, khi những công trình nghỉ dưỡng mang kiến trúc Pháp được xây dựng, Đà Lạt định hình như một khu nghỉ dưỡng độc đáo của chính quyền Đông Dương thời đó. Khi đất nước thống nhất, nơi đây tiếp tục duy trì các giá trị di sản kiến trúc đặc thù, vừa hội nhập và phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Trong ảnh là hồ Xuân Hương và trung tâm TP Đà Lạt.
Toàn thành phố có diện tích 394,64km², nằm trên cao nguyên Lâm Viên, độ cao 1.500m.
Hồ Tuyền Lâm, điểm tham quan du lịch sinh thái nổi tiếng của Đà Lạt. Địa chất thành phố này gồm những dãy núi đồi, thung lũng, hồ nước với những cánh rừng thông bạt ngàn.
Vì nằm trên cao nguyên, Đà Lạt có kiểu khí hậu miền núi ôn hòa, dịu mát quanh năm, cảnh quan tươi đẹp, thơ mộng, là nơi sáng tạo về thơ ca, âm nhạc, hội họa… của rất nhiều văn nghệ sĩ. Ảnh: Nguyễn Huế.
Những cung đường quanh co uốn lượn dưới chân đèo, vòng quanh núi là đặc trưng của hệ thống giao thông Đà Lạt. (Ảnh đèo Mimosa, nơi có nhiều công trình biệt thự, mái lợp ngói cổ kính được xây dựng từ thời Pháp).
Với bề dày lịch sử 130 năm hình thành phát triển, Đà Lạt đang lưu giữ nhiều giá trị di sản kiến trúc đặc thù, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX. Những công trình di sản kiến trúc đặc trưng ở Đà Lạt có thể kể như: Nhà thờ Con Gà, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Dinh vua Bảo Đại, ga xe lửa Đà Lạt… Trong ảnh là ga Đà Lạt được người Pháp xây dừng từ năm 1932 đến năm 1938, đây là nơi tiếp nối với tuyến đường sắt từ Phan Rang dài 84km.
Đà Lạt cũng là địa điểm săn ảnh phong cảnh lý tưởng đối với nhiều nhiếp ảnh gia. Vào lúc bình minh, thành phố ngàn hoa đẹp như bức tranh nhiều màu sắc. Trong ảnh là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (tiền thân là Trường Grand Lycée Yersin) được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Ảnh: Lều Trung Hiếu.
Theo thống kê, Đà Lạt hiện có 20 di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia, một hệ thống di sản kiến trúc Pháp, 16 di tích cấp tỉnh, 5 bảo tàng công lập và tư nhân cùng hàng chục nhà sưu tập di sản. Trong ảnh là nhà thờ Con Gà.
Thiền viện Trúc Lâm là một trong 3 thiền viện lớn nhất ở Việt Nam thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử với diện tích lên tới 30ha. Từ thiền viện đi tới trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5km. Hai bên đường vào thiền viện được bao bọc bởi những cánh rừng thông bạt ngàn. Ảnh: Lều Trung Hiếu.
Với khí hậu ôn đới, nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, thuận lợi để hoa kiểng vùng đất cao nguyên này sinh trưởng, phát triển và nở rực rỡ vào tất cả các mùa trong năm. Ảnh: Thảo Nguyên.
Dân số Đà Lạt hiện nay khoảng 250.000 người. Sau 130 năm, từ một vùng cao nguyên hoang sơ thành phố ngàn hoa đã trở thành đô thị du lịch nổi tiếng hàng đầu cả nước. Tạp chí Lifestyle Asia từng đề xuất đây là một trong 12 điểm đến lãng mạn nhất châu Á năm 2022.
Trong năm 2022, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở đây đạt 6 triệu lượt, tăng 205% so với năm 2021. Toàn thành phố có hơn 2.400 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 31.000 phòng. Trên 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đang hoạt động để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Từ nay đến năm 2030, Đà Lạt tập trung thực hiện nhiệm vụ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng cao, an toàn, văn minh, hiện đại và thân thiện đối với du khách. Trong ảnh là thung lũng Tình Yêu. Ảnh: Thảo Nguyên.
Trong lộ trình phát triển đô thị, Đà Lạt được hoạch định trở thành đô thị thông minh, đô thị di sản, là trung tâm văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng. Trong ảnh là quảng trường Lâm Viên ở trung tâm thành phố, có tổng diện tích lên tới hơn 70.000m2, sức chứa khoảng 60.000 người cùng lúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đà Lạt trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Nhân Ngày Các thành phố Thế giới (31/10), UNESCO vừa công bố danh sách 55 thành phố được công nhận tham gia vào “mạng lưới thành phố sáng tạo”, trong đó Đà Lạt là thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Việt Nam. Đây là một tin vui, niềm tự hào lớn đối với nhân dân thành phố ngàn hoa. Trong ảnh là làng Cù Lần. Ảnh: Thảo Nguyên.
Vietnamnet.vn