Nguyên nhân, thẩm mỹ viện Cao Kim có hành vi sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Ngoài phạt tiền, thẩm mỹ viện Cao Kim bị đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh cho đến khi đầy đủ hồ sơ pháp lý có liên quan.
Bà N.T.Q.N, kỹ thuật viên hoạt động tại thẩm mỹ viện Cao Kim, bị phạt 35 triệu đồng vì khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Cùng với đó, bà T.T.T.L., chủ hộ kinh doanh thẩm mỹ HABERI (84 Trần Quốc Toản, P.Võ Thị Sáu, Q.3) bị xử phạt 45 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Ngoài ra, cơ sở này còn bị đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh cho đến khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan.
TP.HCM: Hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan thẩm mỹ
Hiện trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm khoảng 15%). 85% cơ sở còn lại là do UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Cụ thể, trong 598 cơ sở thẩm mỹ do Bộ Y tế và Sở Y tế thẩm định và cấp phép hoạt động thì có 35 đơn vị thẩm mỹ do các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đảm trách (20 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 15 bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ); 257 cơ sở là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; 306 cơ sở chuyên khoa da liễu có dịch vụ thẩm mỹ.
Có 6.489 cơ sở do UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cơ sở này hoạt động mà không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép. Trong đó, có 2.175 cơ sở spa và chăm sóc da; 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da; 3.798 cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng…
Theo quy định, đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thì loại hình phun, xăm, thêu trên da phải có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi về Sở Y tế trong thời hạn 10 ngày trước khi hoạt động. Tính đến ngày 24.10, đã có 103 cơ sở tự công bố đủ điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ.