Cơ quan chức năng Lâm Đồng đề xuất gói vay ưu đãi 4.800 tỷ đồng dành cho việc di dời, chuyển đổi cây trồng để đến năm 2030 nội ô Đà Lạt không còn nhà kính.
Nội dung nêu trong báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng vừa gửi UBND tỉnh về tín dụng để thực hiện đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo đó, Sở kiến nghị chính quyền tỉnh Lâm Đồng đề nghị các ngân hàng thương mại ưu tiên, tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ dân vay vốn; đồng thời có chính sách hỗ trợ một phần lãi suất từ ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức khi vay vốn để di dời, chuyển đổi, chỉnh trang nhà kính.
Hiện, Đà Lạt có khoảng hơn 2.900 ha nhà kính trải rộng trên địa bàn 10 phường nội ô, chiếm hơn 60% đất trồng rau, hoa của thành phố. Theo các cơ quan chức năng, thiết kế nhà kính nằm sát kênh mương thoát nước, không chừa khoảng lùi; hầu hết công trình chưa có hệ thống ao, hồ thu nước, mương thoát nước. Cùng với việc xây dày đặc, liền kề các khu dân cư làm hạn chế sự phát triển cây xanh, khiến nước mưa không kịp thoát là nguyên nhân gây ngập lụt ở Đà Lạt.
Trước đó, làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng cho rằng đề xuất gói tính dụng ưu đãi lãi suất riêng cho Lâm Đồng để thực hiện đề án di dời nhà kính là rất khó.
Nguyên nhân là việc xây dựng các chính sách tín dụng phải có chủ trương từ Hội sở các ngân hàng thương mại triển khai trên cả nước hoặc khu vực và có sự thống nhất của Ngân hàng Nhà nước. Chưa kể, việc di dời nhà kính chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng, trong đó phạm vi áp dụng hẹp gồm TP Đà Lạt và một số huyện lân cận.
Do đó, tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lâm Đồng nghiên cứu Nghị định Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch để định hướng các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho việc vay vốn thực hiện đề án.
Trường Hà – Khánh Hương