Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nồng nhiệt chào mừng Ngài Tổng thống và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Mông Cổ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Tổng thống với phái đoàn đông đảo, gồm một Phó Chủ tịch Quốc hội và nhiều nghị sỹ Quốc hội, chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm cấp Nhà nước trong khu vực Đông Nam Á kể từ sau khi nhậm chức, cho thấy sự coi trọng của Lãnh đạo Mông Cổ và cá nhân Tổng thống trong quan hệ với Việt Nam.
Vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước không ngừng củng cố và phát triển trong suốt gần 70 năm qua, thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn sự ủng hộ quý báu của Nhà nước và nhân dân Mông Cổ đã dành cho Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Mông Cổ lên tầm mức mới, cao hơn nữa, trên tất cả kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh cho biết, ông rất vinh hạnh khi thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trước thềm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mông Cổ – Việt Nam (1954 – 2024). Trong khuôn khổ chuyến thăm, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ hợp tác Mông Cổ – Việt Nam lên “Đối tác toàn diện” nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024. Hai bên ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông; thống nhất phương hướng phát triển, sẽ triển khai thực chất và hiệu quả những nội dung đã trao đổi nhằm thúc đẩy các lĩnh vực mà hai bên đã nhất trí. Lễ công bố mở đường bay thẳng giữa thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) với Thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ) đã diễn ra nhân dịp này.
Tổng thống nhấn mạnh, tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã được đặt nền móng từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1954. Nhắc lại chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Mông Cổ vào năm 1955 và chuyến thăm của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yumjaagiin Tsedenbal tới Việt Nam năm 1959 đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống hết sức tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Tổng thống đánh giá cao vai trò quan trọng của các thế hệ lãnh đạo hai nước đã đặt nền móng và phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Nhấn mạnh trong quan hệ hai nước, hợp tác giữa các Cơ quan lập pháp là rất quan trọng, Tổng thống cho biết, ông hoan nghênh mở rộng hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước. Tổng thống khẳng định, trên cương vị của mình sẽ thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, thúc đẩy hợp tác giữa hai Nhóm nghị sỹ hữu nghị. Tổng thống cho rằng đây là cơ chế hợp tác quan trọng, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc hội đàm thành công rất tốt đẹp với nhiều văn kiện hợp tác được ký kết; trong khuôn khổ chuyến thăm đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp hai nước. Nhất trí với những ý kiến chia sẻ của Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018 – 2022. Lãnh đạo Quốc hội, cơ quan của Quốc hội và Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ duy trì giao lưu, trao đổi đoàn. Hai bên duy trì tiếp xúc, tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương trong khu vực và quốc tế.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn và mong Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh và Chính phủ Mông Cổ tiếp tục tạo điều kiện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ổn định, lâu dài tại Mông Cổ. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội, Nhà nước Việt Nam sẽ làm hết sức mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Mông Cổ tại Việt Nam.
Hai Nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm như Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, ASEM, ASEAN (ARF), UNESCO; khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.