Như Thanh Niên đã đề cập, Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Liên quan chính sách rút BHXH một lần, Chính phủ trình 2 phương án: Phương án 1 chỉ cho phép những người đã đóng BHXH trước khi luật có hiệu lực thi hành (dự kiến 1.7.2025) đủ điều kiện được rút, những người đóng BHXH từ sau thời gian nói trên không được rút. Phương án 2 cho phép rút nhưng chỉ được rút tối đa 50% số đã đóng. Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng cả 2 phương án đều có chỗ chưa hợp lý, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá tác động, đồng thời đề xuất rõ hơn chính sách này.
Nêu ý kiến tại phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thừa nhận chính sách rút BHXH một lần được người lao động (NLĐ) quan tâm nhất nhưng cũng là vấn đề khó nhất. Theo Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu rút BHXH một lần là có thật, nên “không thể cấm đoán được chuyện này”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải thiết kế chính sách thế nào để lưu NLĐ lại trong hệ thống và hạn chế bớt việc rút BHXH một lần.
Quyền lợi tốt, sẽ đón nhận
Bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, bạn đọc (BĐ) Minh Hùng Lê nhận xét: “Vấn đề BHXH là vấn đề tài chính chứ không phải hành chính. Quyền lợi tốt thì tự nhiên BHXH sẽ được NLĐ đón nhận thôi”.
Tuy nhiên, một điều khá rõ ràng là mặc dù quyền lợi của NLĐ duy trì đóng BHXH thường được chỉ rõ, được nhấn mạnh, đặc biệt là quyền lợi về lương hưu, nhưng tại sao tình trạng “rút BHXH một lần” vẫn khiến ngành BHXH lúng túng?
BĐ Minh Nghĩa phân tích: “Phải nhìn thẳng vào thực tế là đa số NLĐ rút một lần vì chính sách BHXH cứ vài năm lại thay đổi. Ví dụ sự thay đổi thời gian đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu trong 20 năm gần đây, lúc trước nữ đóng đủ 25 năm và 50 tuổi là lãnh đủ 75%, sau này thời gian đóng đủ là 30 năm và 55 tuổi mới được lãnh lương hưu, giờ thì lên 60 tuổi mới được lãnh lương hưu. NLĐ không biết sau này chính sách sẽ thay đổi ra sao nên có tâm lý tốt nhất là nghỉ sớm, lãnh một lần, sau đó xin việc đóng lại từ đầu. Tâm lý này không ít đâu!”.
Chia sẻ câu chuyện cá nhân, BĐ Nga cho biết: “Mỗi người một hoàn cảnh, bắt người này giống người kia sao được. Đại loại như hoàn cảnh của tôi, tham gia BHXH được 13 năm, dự định làm vài năm nữa sẽ rút một lần có được ít vốn xây ngôi nhà nhỏ, dưỡng già. Mà giờ bảo hiểm cứ thay đổi hoài, làm hoang mang. Tôi cứ lo nếu như giữa chừng doanh nghiệp thay đổi, tuổi hưu chưa tới mà năm đóng chưa đủ, thì làm sao?”.
Chờ chính sách hợp lý !
Đón nhận thông tin Quốc hội tiếp tục yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH tham khảo các luồng ý kiến đóng góp để thiết kế chính sách BHXH “hợp lý hơn, giúp NLĐ có lựa chọn tốt nhất”, BĐ Sunny Nguyen nêu: “Rất ủng hộ. Chính sách tốt sẽ giữ được người tham gia BHXH. Còn việc rút hay không do NLĐ quyết định. Dân mình nghỉ việc là rút BHXH để xử lý việc trước mắt mà không nghĩ đường lâu dài, một phần cũng vì sợ… đến lúc lãnh được BHXH thì đồng tiền trượt giá không còn được bao nhiêu. Vậy câu chuyện đặt ra là chính sách, chứ không phải chuyện cấm hay không cấm rút BHXH một lần”. Tán thành, BĐ Quốc Thanh cho biết: “Rất đồng tình với Chủ tịch Quốc hội là không thể cấm người dân rút BHXH một lần mà cần có chính sách thu hút và giữ chân người tham gia BHXH”.
Nhận xét về một trong những nguyên nhân khiến câu chuyện rút BHXH một lần trở nên “nóng”, BĐ Han Ngoc nêu ý kiến: “NLĐ muốn giảm tuổi nghỉ hưu. Nếu không giảm thì e rằng tình trạng NLĐ rút BHXH một lần vẫn tiếp tục tăng”. Tỏ ý mong chờ những chính sách BHXH đột phá, BĐ Thinh QB đề nghị: “Chỉ cần tập trung làm rõ việc tại sao NLĐ lại rút BHXH một lần, tìm cách khắc phục điều này, sẽ thiết kế được chính sách BHXH với lợi ích lâu dài”.
Trong cơ chế thị trường, người tham gia BHXH có quyền lựa chọn phương án tối ưu cho mình. Như vậy, có thể cân nhắc cho thêm đơn vị kinh doanh để cạnh tranh với BHXH hiện hành.
Lai Lê
Đơn giản thôi. Tôi đề nghị quy định trên 50 tuổi mới được rút BHXH một lần.
Hồng Đinh Việt
Tiền BHXH là tiền của NLĐ đóng góp, tích lũy, ai muốn để nhận lương hưu thì nhận, ai muốn rút hết một lần thì rút, họ đều có ý cả… Còn để giảm áp lực thì điều phối bằng lợi ích.
Anh Hoang Tuan