Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết tùy theo giai đoạn của suy thận, độ tuổi của bệnh nhân mà có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Những gì bạn ăn uống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Kiểm soát huyết áp và bệnh tiểu đường tốt có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận tiến triển nặng hơn.
Người bệnh suy thận không nên uống quá nhiều nước. Bởi do thận bị tổn thương không thể thải chất lỏng ra ngoài như bình thường. Quá nhiều chất lỏng trong cơ thể có thể gây nguy hiểm, khó kiểm soát huyết áp, phù và suy tim.
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận và cách điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu hạn chế uống nước hoặc cắt giảm lượng nước uống vào mỗi ngày. Nên uống nước từng ngụm, từng cốc nhỏ để kiểm soát tốt được lượng nước nạp vào cơ thể.
Ngoài tuân thủ chế độ dinh dưỡng, uống nước đúng cách, người bệnh nên nghỉ ngơi, kết hợp tập luyện nhẹ nhàng, hợp lý để tránh mất sức và ngủ đủ giấc, thói quen sinh hoạt tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị bệnh suy thận.
Nên uống nước ấm
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Tấn Thông, Trung tâm Tiết niệu – Thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết mỗi ngày cơ thể cần khoảng 2-2,5 lít nước. Tuy nhiên điều này cũng còn tùy thuộc vào trọng lượng, giới tính, tính chất công việc, hoạt động thể chất, thời tiết, tình trạng bệnh lý… Công thức tính lượng nước chung là (ml) = cân nặng (kg) x 30. Ví dụ, trọng lượng cơ thể bạn là 50 kg thì lượng nước cần nạp mỗi ngày ít nhất là 1.500 ml.
Bác sĩ Thông cho biết thêm, theo Tổ chức Thận Quốc gia, người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn 1 và 2 nên uống 8 ly nước mỗi ngày, giai đoạn 3, 4, 5 nên hạn chế tiêu thụ nước. Lượng nước uống hằng ngày của người suy thận nên sử dụng bằng lượng nước tiểu thải ra hằng ngày cộng thêm 500 ml và lượng dịch mất bất thường.
Bên cạnh đó, nên uống nước ấm sẽ hỗ trợ nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa, giúp tuần máu trong cơ thể dễ dàng hơn.