Trong bối cảnh hầu hết các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, gỗ… đều sụt giảm mạnh, xuất khẩu nông sản, trái cây trở thành điểm sáng cho nền kinh tế. Quan trọng hơn, sau đại dịch Covid-19 và tình trạng hạn hán hiện nay, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế trụ đỡ cho nền kinh tế.
Nếu như năm 2022, ngành thủy sản bứt phá với biểu đồ tăng trưởng gần như dựng đứng thì đến năm 2023, gạo và rau quả trở thành đại diện cho nông sản VN tạo danh tiếng trên thị trường quốc tế.
Ngành rau quả đang có bước chạy thần tốc để xác lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2023, hai mặt hàng rau quả và lúa gạo sẽ đạt mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay, trên 4 tỉ USD. Trong đó, lần đầu tiên sầu riêng vươn lên ngôi vị quán quân trong các loại cây ăn quả với kim ngạch xuất khẩu chạm ngưỡng 2 tỉ USD. Nói đến sự tăng trưởng đột biến của sầu riêng, không thể không nhắc lại sự kiện ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ quý 2/2022. Kể từ đó quả sầu riêng đã mang lại thu nhập “khủng” cho người trồng và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành xuất khẩu rau quả.
Bên cạnh đó, ngành rau quả vẫn còn nhiều “ngôi sao” tiềm năng khác hứa hẹn sẽ vụt sáng trong thời gian tới, trong đó có trái dừa. Mới đây, mặt hàng này đã được 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc bật tín hiệu để mở cửa. Ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN, thông tin: “Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa chế biến sâu và các sản phẩm nguyên liệu như bột sữa dừa, cơm dừa nạo sấy… của VN đã không ngừng tăng lên trong những năm qua, vươn lên vị trí thứ tư của châu Á.
Số liệu thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu dừa và sản phẩm từ dừa trong năm 2022 đạt trên 900 triệu USD. Hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình chung, giá trị xuất khẩu dừa bị sụt giảm khoảng 32% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 215 triệu USD. Tuy nhiên, trong dài hạn, tiềm năng xuất khẩu của ngành dừa còn rất lớn. Với những bước chuẩn bị mở cửa thị trường Trung Quốc và sự mở cửa trở lại của thị trường Mỹ, trái dừa VN sẽ sớm đạt mức kim ngạch 1 tỉ USD”.
Bên cạnh đó, sản xuất cà phê trong nước cũng đang hồi sinh mạnh mẽ. Giá cà phê sau nhiều năm nằm dưới mức 40.000 đồng/kg đã bất ngờ tăng vọt từ đầu năm 2023, đến thời điểm hiện tại đã gần chạm đến ngưỡng 70.000 đồng/kg. “Bao nhiêu năm nay giá cà phê VN chưa vượt lên được 50.000 đồng/kg, cho nên mức giá hiện tại gần như là niềm mơ ước của doanh nghiệp lẫn nông dân. Thời điểm tháng 10 – 11 hằng năm mới bắt đầu thu hoạch vụ cà phê mới, giá có thể sẽ giảm đôi chút nhưng nhiều khả năng vẫn ở mức cao”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk nhận định. Bộ NN-PTNT cũng dự báo mặt hàng cà phê có thể phá vỡ kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu của năm trước và năm 2023 sẽ là năm thứ hai liên tiếp VN đạt mức kim ngạch trên 4 tỉ USD xuất khẩu cà phê.
Sắp xếp lại “thế trận ngành hàng”, tối ưu lợi thế quốc gia
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu khó khăn, nông nghiệp đã nổi lên như một trụ đỡ cho nền kinh tế. Nhìn lại chặng đường xuất khẩu nông sản năm qua, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), nhận định: “Có thể nói ngành nông nghiệp tự hào về những thành tích của mình. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh và các cuộc khủng hoảng đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, xuất khẩu nông sản của VN nổi lên như một điểm sáng của cả nền kinh tế nước nhà. Thành công trong xuất khẩu nông sản phải kể đến sự chuyển dịch rất lớn trong sản xuất, tiếp đó là việc mở rộng khai thác các thị trường mới và đặc biệt là việc tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới”.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Quốc Toản, khi một số ngành hàng như lúa gạo, sầu riêng tăng trưởng nóng cũng đã bộc lộ hết những điểm yếu của ngành nông nghiệp hiện nay, đó chính là thiếu sự liên kết. Cụ thể, các nút thắt hiện nay là quản trị chất lượng, hạ tầng chế biến chưa đáp ứng, liên kết giữa nhà vườn, nông dân, thương lái và doanh nghiệp chưa tốt, dẫn đến cạnh tranh thu mua, phá vỡ hợp đồng…
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), cũng trăn trở: “Ở VN, mặc dù Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đã bỏ ra rất nhiều công sức làm liên kết bốn nhà, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng chuỗi giá trị… nhưng trong sản xuất các ngành hàng nói chung và lúa gạo nói riêng, các khâu vẫn tách rời nhau. Việc sản xuất phó mặc cho nông dân, việc thu mua từ nông dân phó mặc cho thương lái và doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chỉ ký hợp đồng bán gạo và huy động từ các nhà máy xay xát theo kiểu “sang mạn tàu”.
Tình trạng hợp đồng xuất khẩu với bên ngoài ký trước, rồi mới mua gạo theo giá lên xuống trong nước nên khi xảy ra biến động giá sẽ nảy sinh mâu thuẫn, mối quan hệ thay vì cộng tác lại thành đối đầu. Nếu cứ duy trì cách thức tổ chức yếu kém như hiện nay sẽ tạo ra cơ hội cho các tập đoàn FDI xuyên quốc gia tiến vào chiếm lĩnh các ngành hàng nông sản chiến lược mà VN có lợi thế. Khi đó các doanh nghiệp nội địa và nhất là nông dân chỉ được hưởng phần lợi nhuận nhỏ nhoi như người đóng góp sức lao động kèm theo mọi rủi ro dịch bệnh, thiên tai và ô nhiễm môi trường… Thực tế VN chúng ta đã và đang chấp nhận tình trạng này trong nhiều ngành công nghiệp và nông nghiệp hiện cũng đang bị đẩy lùi trong chăn nuôi, lấn vào thủy sản, cà phê…”.
Theo TS Đặng Kim Sơn, để giành thế đứng trên sân nhà, phát huy được lợi thế quốc gia của ngành nông nghiệp, các cấp lãnh đạo địa phương và ngành cần sắp xếp lại thế trận từng ngành hàng và xác lập vị thế người làm nông nghiệp nói chung và người làm lúa nói riêng. Nhất định phải xác định tại vùng chuyên canh như ĐBSCL thì phải rõ lúa gạo ở đâu, cây ăn trái ở đâu, thủy sản ở đâu. Tây nguyên phải rõ cà phê ở đâu, tiêu ở đâu, cây ăn quả ở đâu, rừng ở đâu… Có như thế mới đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, logistics, nhà máy chế biến, nguồn nhân lực. Tại vùng chuyên canh cần xác định và hỗ trợ doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và người nông dân.
Khi đã có liên kết ngang nông dân với nhau, doanh nghiệp với nhau, địa phương với nhau rồi sẽ xây dựng, tổ chức liên kết dọc. Liên kết dọc đó giải quyết các bài toán xây dựng vùng chuyên canh thế nào, tổ chức sản xuất ra sao, tìm thị trường thế nào, giá cả làm sao, chế biến, hợp tác quốc tế thế nào… Cùng nhau hình thành vùng chuyên canh là liên kết dọc, chuỗi giá trị là liên kết dọc, và cao nhất chính là hội đồng ngành hàng.
Liên kết được với nông dân là thắng
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), phân tích: Điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp hiện nay đó là thiếu sự liên kết. Dù chậm hay nhanh thì nền nông nghiệp hiện đại không thể là nền nông nghiệp tự cạnh tranh lẫn nhau mà phải được tổ chức theo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
“Tất nhiên là chúng ta đi chậm nhưng nếu không bắt đầu từ hôm nay thì rất khó để mà chúng ta có thể thực hiện được trong tương lai gần. Trước đây chúng ta đã có một nghị định là phải liên kết lại và trong liên kết cũng có những chuyện xử phạt nọ kia nhưng nghị định đấy vẫn còn một số hạn chế, nhất là trong câu chuyện tổ chức thực hiện… Trong chuỗi liên kết thì cái bẫy của chúng ta luôn luôn gặp phải đó là nặng về giá cả. Vấn đề là yếu tố giá rất khó quản trị, kể cả doanh nghiệp. Làm thế nào để nông dân và hợp tác xã đến được với nhau? Không có gì hơn là tất cả phải hỗ trợ phúc lợi, lợi ích cho nông dân. Cần tập trung vào chuyện giúp cho nông dân làm ra nông sản chất lượng cao, chúng ta giúp cho nông dân giảm giá thành sản phẩm, chúng ta giúp cho nông dân có đủ kiến thức về thị trường để đủ kỹ năng ứng phó, giúp nông dân tiếp cận được tín dụng…”, ông Thịnh nhấn mạnh và cho rằng, mối liên kết hiện nay giữa người mua và người bán mới chỉ dừng lại ở ký kết hợp đồng mua bán nhưng điều này là chưa đủ.
Nếu nói về cạnh tranh thì doanh nghiệp VN thua những doanh nghiệp đa quốc gia về tất cả mọi thứ, thua về tiềm lực, thua về thị trường nhưng chúng ta có một lợi thế là nếu liên kết được với nông dân thì chúng ta thắng. Cho nên dù chậm dù nhanh thì chúng ta phải làm, làm kiên trì để mối liên kết sản xuất – tiêu thụ ngày càng sâu rộng. Có như vậy mới khắc phục được những điểm yếu của ngành nông nghiệp VN hiện nay và đưa vị thế nông sản Việt ngày càng lên cao hơn.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Phạm Tấn Công thì cho rằng trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới là “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có” thì càng đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia và thể hiện vai trò của các doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp VN từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
“Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Những chính sách trên cho thấy Nhà nước đang rất quan tâm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp luôn hàm chứa nhiều rủi ro khó lường trước, nên để đưa chính sách đi vào thực tiễn, Chính phủ và các địa phương cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nông nghiệp, cần xây dựng các mô hình, các doanh nghiệp thành công trong đầu tư vào nông nghiệp để nhân rộng và khích lệ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tiềm năng”, ông Công nhấn mạnh.