Cứ như vậy, suốt gần 15 năm nay, quán bò lá lốt, bò mỡ chài (mỡ chài là tấm màng mỡ mỏng phủ trong khoang bụng chung quanh dạ dày của một số động vật như bò, cừu, heo…) của dì Năm Phượng (tên thật là Nguyễn Thị Phượng, 65 tuổi) vẫn là điểm đến quen thuộc của nhiều khách “ruột”, dẫu giá thành có cao hơn so với mặt bằng chung.
“Ngày đông khách bán 3 tiếng hết!”
15 giờ hơn, dì Phượng cùng các con bắt đầu mở cửa đón khách. Đây cũng là lúc tôi bắt đầu luồn lách qua nhiều con hẻm, men theo đường tàu ghé quán của dì Phượng nằm trong hẻm đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận).
Vừa tới nơi, mùi bò lá lốt nướng trên than hồng thơm phức tỏa ra, khiến bụng tôi có phần cồn cào. Lập tức, tôi ấn tượng với không gian quán bình yên hướng mặt ra đường tàu. Tôi thầm nghĩ còn gì lý tưởng hơn một buổi chiều hoàng hôn buông xuống, vừa ăn bò lá lốt, vừa nhìn ra “view đường tàu” đặc trưng của quán.
Trong quán, dì Phượng cùng con trai, con gái tất bật chuẩn bị những phần ăn cho khách. Mới mở cửa không lâu, nhưng đều đặn khách ra vào. Thấy tôi, bà chủ nở nụ cười hiền hậu, niềm nở tiếp chuyện.
Dì Phượng cho biết cha mẹ dì hồi xưa làm cho một quán bò có tiếng ở Sài Gòn mở trước năm 1975, nằm trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển thuộc Q.Phú Nhuận), cách quán hiện tại không xa. Sau này, quán đó nghỉ bán vì chủ sang nước ngoài định cư, cha mẹ bà cũng thôi làm.
Năm 2010, từ công thức của cha mẹ truyền lại, dì Phượng quyết định mở quán bò này để mưu sinh, cũng là theo mong muốn của cha mẹ, dù trước đó, bà cũng bán hủ tiếu ngon có tiếng ở khu vực này. Vậy là quán gắn bó với bà và gia đình suốt gần 15 năm qua, từ đường Nguyễn Văn Trỗi, đến khi chuyển sang địa chỉ mới cách đây không lâu, nhiều khách vẫn tìm tới ủng hộ.
Bà chủ giới thiệu ở quán, đặc trưng với món bò lá lốt, bò mỡ chài, bò nhúng giấm, nướng vĩ… Mỗi phần đều đồng giá 80.000 đồng. Dù giá có phần “chát” so với mặt bằng chung, nhưng dì Phượng nói rằng tiền nào của nấy, khi khách ăn chắc chắn sẽ cảm thấy xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra bởi chất lượng, hương vị của món ăn.
“Những ngày đông khách, nhất là vào cuối tuần, thường quán chỉ bán 3 tiếng là hết rồi. Những ngày thường khách đều đặn, thì bán chậm hơn, thường cỡ 9 giờ tối là nghỉ. Không phải ngẫu nhiên giá cao nhưng khách vẫn ủng hộ quán tôi nhiều năm qua, tất cả là nhờ bí quyết nêm nếm, chất lượng bò…”, bà chủ tâm sự.
[CLIP]: ‘Bò lá lốt đường tàu’ 80.000 đồng/phần ở TP.HCM: 3 mẹ con bán đắt, bí quyết gì?
Truyền nghề cho con kế thừa
Đang đói bụng, tôi gọi một phần bò lá lốt, mỡ chài giá 80.000 đồng. Bà chủ cùng 2 con chuẩn bị tỉ mỉ. Nhìn phần ăn trên bàn, tôi thầm nghĩ rằng với giá tiền bỏ ra, có lẽ là xứng đáng.
Thật vậy, cuộn bò lá lốt, mỡ chài vừa nướng nóng hôi hổi cùng với đồ chua, vài lát khế, chuối chát, rau, giá sống, cho thêm một ít bún, đậu phộng… cuộn lại, chấm ngập vào phần nước mắm nêm đặc trưng của quán, hương vị như bùng nổ trong miệng.
Tôi có thể cảm nhận rõ được sự đậm đà trong cách nêm nếm bò lá lốt, bò mỡ chài của bà chủ. Với tôi, hương vị món ăn ở đây xứng đáng đạt điểm 8/10, xứng đáng để ăn nhiều lần. Dì Phượng cũng nói rằng, khi nấu ăn bằng cái tâm dành cho khách, món ăn ắt cũng sẽ ngon.
“Tôi thì đang truyền lại nghề cho các con, hy vọng sau này mình không còn sức làm thì các con kế thừa. Sau này các con cũng có cái nghề mà theo, nuôi sống bản thân”, dì Phượng tâm sự.
Anh Nhật Hào (34 tuổi) chiều chiều cũng dẫn vợ đến quán này ăn. Vị khách cho biết vì nhà gần đây, cũng ăn ở quán này nhiều năm và thấy hợp khẩu vị nên thường ghé ủng hộ.
Anh Hào cho biết điều mà anh thích nhất trong phần bò lá lốt, bò mỡ chài ở đây, chính là sự phối hợp của các nguyên liệu tươi ngon. “Có khi mình cũng đổi gió, gọi phần bò nhúng giấm. Phần này có cái bếp than nhỏ nhỏ, vừa ăn vừa nhìn ra con đường phía trước”, anh cười, nói.