Trong khi đó, nhận định năm 2024 cho thấy, thị trường lúa gạo tiếp tục sôi động khi một số quốc gia tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, trong 10 tháng qua Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 là năm rất ngoạn mục.
Giá gạo tăng đột biến từ tháng 8 vừa qua do một số yếu tố tác động đến như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số quốc gia khác.
Nhiều quốc gia đua nhau gom mua lượng gạo lớn để tăng dự trữ lương thực đã khiến nguồn cung mặt hàng này chao đảo, giá gạo nhiều thời điểm tăng mạnh. Trong bối cảnh đó, giá lúa gạo nội địa cũng như giá xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, liên tục vượt qua các kỷ lục trước đó.
Dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao
Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, theo các chuyên gia phân tích, giá gạo vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 – 650 USD/tấn.
Nguyên nhân của vấn đề là lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo. Theo tính toán nhu cầu của các nước trên thế giới rất nhiều, trong đó có các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia hay Trung Quốc.
Ông Phạm Thái Bình phân tích, thực tế vừa qua thị trường Indonesia đặt 1,5 triệu tấn gạo giao trong năm 2023 nhưng không có đủ lượng gạo để giao. Thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, đây là vụ lúa quan trọng trong năm với năng suất, chất lượng cao.
Nếu theo dự báo từ các chuyên gia giá gạo trên thế giới sẽ giảm nhưng không nhiều, khi đó giá lúa vụ Đông Xuân khi vào chính vụ sẽ giảm nhưng cũng không đáng kể vì giá lúa đã cao thì giá xuất khẩu gạo vẫn ở ngưỡng 670 – 680 USD/tấn.
“Hiện nay lượng gạo trên thế giới đang khan hiếm dần, chỉ có Việt Nam của chúng ta có cơ hội đó thôi, cho nên là nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới bây giờ rất nhiều. Nếu tính toán theo giá gạo hiện nay mà theo một số các chuyên gia nói là giá gạo nằm ở 640 USD nhưng mà không phải, Việt Nam bây giờ toàn bán 680 – 690 USD, thậm chí giá gạo đã lên tới 700 USD rồi.
Còn riêng đối với lúa Việt Nam người nông dân bán lên tới 8.800 thậm chí 9.000 đồng/kg, thế thì giá gạo không thể dưới 700 USD được”, ông Phạm Thái Bình nói.
Nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024
Năm 2024 được dự báo vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nguồn cung thiếu hụt và các nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường trên thế giới.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) – cho rằng: ‘Khả năng với bối cảnh thế giới như bây giờ thì năm 2024 nhu cầu của thế giới còn gia tăng và dư địa để Việt Nam tiếp tục gia tăng xuất khẩu, dư địa để chúng ta gia tăng nguồn cung vẫn còn. Khả năng lúa gạo năm 2024 theo bức tranh đó”.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới được dự báo vẫn tiếp tục tăng, nhất là những thị trường truyền thống tăng cường nhập khẩu để giải quyết tình trạng thiếu hụt.
Dự báo về năm 2024, bà Trần Thanh Bình – Trưởng phòng xuất nhập khẩu (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) phân tích, thị trường Ấn Độ lệnh cấm xuất khẩu dự báo vẫn còn, nếu sản lượng dồi dào thì nước này mới có thể dừng lệnh cấm.
Trong khi đó, sản lượng gạo của Ấn Độ đang giảm so với 2022, chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa. Theo đó, doanh nghiệp Việt cần nhận định các nguồn thông tin từ đối tác nhập khẩu để đưa ra “thời điểm vàng” ký hợp đồng.
“Bốn đối tác mà nhập khẩu truyền thống của Việt Nam cũng như của Thái Lan đang có kế hoạch, nhu cầu để đáp ứng nguồn thiếu hụt ở trong nước, Indonesia thì vẫn tăng cường nhập khẩu gạo còn Philippines hiện nay đang xem xét để dỡ bỏ giá trần gạo nội địa.
Như vậy thì chúng ta cũng thấy các đối tác nhập khẩu hiện nay vẫn còn nhu cầu nhập khẩu. Do vậy với vụ Đông Xuân năm 2024 sắp tới thì các doanh nghiệp cần chủ động, theo dõi sát kế hoạch, nhu cầu của các thị trường, đối tác nhập khẩu lớn” , bà Trần Thanh Bình đánh giá.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay dự báo cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ các chuyên gia nếu xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay đạt 8 triệu tấn thì bước sang năm 2024 lượng tồn kho sẽ rất mỏng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải thận trọng trong ký hợp đồng, tránh những rủi ro nếu không lường trước được nguồn cung.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024 vùng ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa tập trung vào những giống lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, thời điểm hiện nay nhiều quốc gia đang tăng cường nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt.
Phạm Hải, Thanh Tùng/VOV-