Quả cầu hữu nghị được xây dựng tại công viên Lam Sơn, trước Nhà hát TP.HCM sẽ trở thành điểm nhấn mỹ quan của TP. Đồng thời là một điểm đến đặc biệt trong hệ sinh thái du lịch ở trung tâm TP.HCM.
Ảnh minh họa Quả cầu hữu nghị
Công trình Quả cầu biểu tượng hữu nghị gồm 2 hạng mục chính:
1. Quả địa cầu bằng thép kích thước siêu lớn có thể xoay chậm liên tục 24/24 giờ và được trang trí bằng đèn led để trình diễn vào ban đêm.
Hệ thống đèn led có thể được lập trình thay đổi linh hoạt để trình diễn các hình ảnh khác nhau, và quan trọng nhất là thể hiện nổi bật lên các địa phương, vùng lãnh thổ đã kết nghĩa với TP.HCM, điều này giúp cho thành phố dễ dàng mở rộng thêm các địa phương được kết nối sau này.
2. Sân khấu nhạc nước bên dưới và xung quanh quả cầu. Với sự kết hợp giữa nước và âm thanh – ánh sáng sẽ tạo nên một điểm check-in tuyệt vời cho du khách trong và ngoài nước.
Sân khấu nhạc nước có thể trình diễn các bài hát mang tính truyền thống văn hóa hoặc của những nghệ sĩ nổi tiếng của các quốc gia, thành phố đã kết nghĩa với TP.HCM.
Du khách quốc tế, đặc biệt là du khách đến từ các thành phố đó khi nghe thấy bài hát của quốc gia mình vang lên sẽ khơi dậy niềm tự hào của họ và yêu mến TP.HCM hơn.
Điều này cũng giúp lan tỏa biểu tượng “TP.HCM – Thành phố hữu nghị toàn cầu” ra khắp thế giới.
Ảnh minh họa Quả cầu hữu nghị
Quả cầu biểu tượng hữu nghị mô phỏng quả địa cầu với ý nghĩa “TP.HCM là thành phố hữu nghị, đã và đang phát triển, mở rộng kết nối khắp toàn cầu”.
Quả cầu hữu nghị không chỉ là một biểu tượng của sự phát triển và hòa nhập của TP.HCM với thế giới, mà còn là một nơi giao lưu, học hỏi và chia sẻ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Quả cầu cũng là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, mang lại cho họ những trải nghiệm mới mẻ và thú vị về TP.HCM.
Quả cầu hữu nghị còn thể hiện tinh thần hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững của TP.HCM trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
tuoitre.vn