Có thực sự hành động không?
Từ ngày 6-8/11, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành về thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Theo đó, Quốc hội sẽ chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Chia sẻ về kỳ vọng trước phiên chất vấn, ĐBQH Quản Minh Cường – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, công tác chất vấn thời gian qua đã thể hiện sự công khai minh bạch, rõ ràng. Người chất vấn và người trả lời chất vấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm vững vấn đề.
“Chưa Bộ trưởng nào trả lời mà tôi không hài lòng cả, tuy nhiên có những câu trả lời, câu giải thích thì chưa hoàn toàn ưng ý. Từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, cho đến các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời tôi thấy cơ bản đáp ứng kỳ vọng nội dung mà ĐBQH nêu ra”, ông Cường nêu ý kiến.
Chia sẻ về nội dung sẽ tham gia chất vấn, ông Cường cho hay ông quan tâm đến các vấn đề nóng mà người dân, cử tri Đồng Nai quan tâm như: Vấn đề giáo dục, không chỉ riêng sách giáo khoa mà cốt lõi là chất lượng dạy học; vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân; tai nạn giao thông…
Một nội dung cũng không kém phần quan trọng đó là vấn đề tội phạm có nguyên nhân xã hội. Ông Cường đánh giá, những năm qua tội phạm xã hội đã được ngành công an làm rất tốt.
“Nhưng tội phạm có nguyên nhân xã hội tức là tội phạm trong gia đình có chiều hướng gia tăng, chưa bao giờ xã hội có sự băng hoại lớn như vậy, con giết cha, mẹ; cháu giết ông, bà…điều này cho thấy mâu thuẫn trong gia đình gia tăng, vấn đề này phải tìm ra nguyên nhân, gốc của nó là vấn đề đạo đức”, ông Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Quảng Minh Cường cũng kỳ vọng trong phiên chất vấn tới, các Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện đúng lời hứa của mình. Có thể không phải cứ hứa là làm được vì phụ thuộc các yếu tố chủ quan, khách quan.
Tuy nhiên, điều mà các đại biểu xem và đánh giá là vị Bộ trưởng, trưởng ngành đó có quyết tâm không? Có thực sự hành động không? Có chính sách gì để thực hiện lời hứa hay tổ chức triển khai thực hiện lời hứa đó như thế nào?
“Chúng ta phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân tại sao kết quả đó chưa tốt”, ông Cường cho hay.
Sẽ chịu trách nhiệm theo đuổi tới cùng
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn- Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đoàn Hải Dương cho biết, phiên chất vấn trong nhiệm kỳ này sẽ khác so với những phiên chất vấn trong các kỳ trước. Thay vì chỉ chọn một số lĩnh vực để chất vấn, các thành viên Chính phủ chủ trì, phiên chất vấn trong nhiệm kỳ này sẽ đặt câu hỏi cho các thành viên Chính phủ.
“Trong thời gian gần đây, cử tri rất hài lòng với việc Quốc hội chọn lựa những vấn đề quan trọng để chất vấn và giám sát. Những vấn đề này đều là những vấn đề nóng, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho rằng, khi trả lời, các thành viên Chính phủ cần dựa vào thực tế đã triển khai hoạt động trong thời gian vừa qua. Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ cũng là một cách để đánh giá năng lực và khả năng điều hành của Chính phủ.
“Tôi tin rằng phiên chất vấn này cũng là cơ hội để các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ về những thành tựu và khuyết điểm. Thông qua đó, các thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc đối mặt với những việc chưa hoàn thành và tổ chức triển khai các yêu cầu của Quốc hội trong thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đặc biệt là trong kế hoạch thực hiện 5 năm. Tôi cho rằng cách làm của Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất hiệu quả”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu việc chất vấn trên diện rộng, nhưng chỉ tập trung vào những vấn đề chính và những vấn đề lớn nổi bật trong phiên chất vấn này.
Báo cáo từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung vào những vấn đề mà Ủy ban cho rằng sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, các ĐBQH có quyền chất vấn bất kỳ vấn đề nào nằm trong các lời hứa của thành viên Chính phủ tại các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội và Ủy viên Thường trực của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, ông Sơn cho biết sẽ tập trung vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường và các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường.
“Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm theo đuổi tới cùng. Riêng với tôi, tôi quan tâm đặc biệt đến các vấn đề liên quan đến sự suy giảm của các trụ cột tăng trưởng kinh tế hiện nay. Tôi sẽ tiếp tục quan tâm đến nội dung này trong phiên chất vấn”, ông Sơn nói.
Đồng thời, đại biểu cũng kỳ vọng rằng sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ thể hiện hiệu quả pháp lý của phiên chất vấn bằng một Nghị quyết. Nghị quyết này sẽ đánh giá rõ những thành tựu đã đạt được và những vấn đề cần tiếp tục giải quyết để đảm bảo hoạt động giám sát. Đây có thể được xem như một cách làm mới, với cách tổ chức như vậy, cử tri sẽ dễ dàng theo dõi việc thực hiện các cam kết của các thành viên Chính phủ hơn.
ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, ĐBQH cần chất vấn đúng tầm, làm rõ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được Bộ trưởng, trưởng ngành điều hành. Điều này sẽ phản ánh năng lực của các Bộ trưởng, trưởng ngành. Tại phiên chất vấn, đại biểu sẽ quan tâm đến việc chấp hành pháp luật và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành.
Theo ông Vân, người đứng đầu bộ, ngành trước tiên phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành mình. Những gì liên quan đến công việc mà ngành đấy đảm nhiệm xảy ra sự cố thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Có hiểu được như vậy mới biết giới hạn, phạm vi của mình để đề phòng trước.