Tại họp báo Chính phủ chiều 4.11, báo chí đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc quản lý sách tham khảo và sách dành cho trẻ em được triển khai như thế nào để không bị lọt những nội dung không phù hợp. Vừa qua, trên mạng xã hội đã lan truyền những hình ảnh về những trang sách cho trẻ em với mô tả dữ liệu trong sách giáo khoa gây ra dư luận xấu.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, Bộ GD-ĐT đã có những quy định rất chặt chẽ từ tiêu chuẩn, quy trình cho đến việc thẩm định, lựa chọn sử dụng. Đối với sách tham khảo, sách cho trẻ em thì phạm vi rất rộng.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng có 2 vấn đề. Về xuất bản, lưu hành, sách tham khảo, sách trẻ em do nhà xuất bản thực hiện việc xuất bản, Bộ TT-TT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước. Về mặt xuất bản thì các nhà xuất bản chịu trách nhiệm về nội dung.
Thứ hai, việc sử dụng những sách này trong nhà trường, trong các trường phổ thông, trong cơ sở giáo dục mầm non, trường giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT nhận thấy rằng cần phải có những quy định để tăng cường trách nhiệm quản lý của nhà nước. Qua đó, hạn chế những nội dung không phù hợp trong sách tham khảo và sách cho trẻ em trong giáo dục nhà trường.
Ông Sơn cũng thông tin thêm, từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về việc sử dụng và quản lý sử dụng sách tham khảo trong nhà trường. Trong đó, quy định rất rõ những điều kiện, yêu cầu, trách nhiệm của giáo viên, nhà trường, của phòng, sở GD-ĐT trong việc quản lý sử dụng những nội dung đưa vào nhà trường.
Những tiêu chuẩn, điều kiện trong này ghi rất rõ, đặc biệt là trách nhiệm của nhà trường và phòng, sở trong việc kiểm tra, thanh tra. Nếu như có những nội dung không phù hợp thì sẽ dừng, không sử dụng những quyển sách đó.
“Chúng tôi nhận thấy chưa có trường hợp nào sách tham khảo đưa vào nhà trường có nội dung chưa phù hợp. Vừa qua, có một số hiện tượng và đây cũng không phải lần đầu, một số tài khoản mạng xã hội, tờ báo… chụp một phần của những cuốn sách ở đâu đó trên thị trường, cũng có thể cố ý hoặc vô ý, để người dân hiểu lầm đây là nội dung của sách giáo khoa. Điều này rất nguy hiểm, tác động rất xấu đến toàn bộ hệ thống giáo dục”, ông Sơn nói.
Thậm chí, lãnh đạo Bộ GD-ĐT còn đề nghị, các phóng viên “lưu ý”, tin về ngành giáo dục thì rất nhiều nhưng cần phải được kiểm chứng rõ nguồn gốc, xác định rõ cái đó là ở đâu, trách nhiệm của ai.