PGS.TS Đinh Công Hướng – người bị tố bán bài nghiên cứu khoa học – có hơn chục năm công tác tại trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định). Tháng 3/2023, ông chuyển công tác vào một trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Hiện ông làm việc tại Đại học Công nghiệp TP.HCM.
Việc bán bài nghiên cứu xảy ra thời điểm ông là giảng viên cơ hữu tại trường Đại học Quy Nhơn. Khi đó, ông ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với trường Đại học Tôn Đức Thắng và trường Đại học Thủ Dầu Một.
Ngày 4/10, trả lời VTC News, đại diện lãnh đạo trường Đại học Quy Nhơn cho biết, khi dính vụ lùm xùm trên, trường mới biết suốt quá trình công tác, thầy Hướng làm việc cho một số đơn vị trường học khác.
Luật viên chức quy định, giảng viên có quyền ký hợp đồng làm các vụ việc ngoài giờ, nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao tại đơn vị đang công tác, và được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường trước khi hợp tác với đơn vị khác.
“Như vậy thầy Hướng sai về luật viên chức vì thầy hoàn thành nhiệm vụ nhưng không báo cáo với lãnh đạo nhà trường”, vị này nói.
Vị lãnh đạo cho biết thêm, trong tất cả các cuộc họp của trường, chưa giảng viên nào phàn nàn về mức thu nhập của trường, thậm chí nhiều người còn muốn xin về trường công tác. Vì vậy, việc thầy Hướng nói vì khó khăn về kinh tế là không đúng.
“Trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ giảng viên của trường để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần. Với thầy Hướng, nhà trường còn tạo điều kiện cho thầy có những đợt công tác nước ngoài nhiều tháng để hợp tác làm các đề tài nghiên cứu khoa học”, vị lãnh đạo trường Đại học Quy Nhơn nói thêm.
“Nếu có vi phạm, tranh chấp đề tài nghiên cứu, hay liên quan đến vấn đề tài chính, yêu cầu nhà trường cung cấp và làm rõ thì nhà trường sẽ thực hiện. Sau sự việc lần này, trường cũng hy vọng có những quy định, văn bản chế tài cụ thể hóa về vấn đề phát triển đội ngũ trí thức và quản lý chất xám, sản phẩm trí tuệ chi tiết, khi đó các đơn vị sẽ vận dụng và quy định phù hợp và đầy đủ hơn”, vị lãnh đạo nói thêm.
Theo ông Phạm Trung Kiên – Trưởng Phòng tổ chức hành chính trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, thầy Hướng bắt đầu công tác tại trường từ tháng 3/2023. Trong quá trình đó, nhà khoa học này luôn chấp hành tốt quy định của nhà trường và hoàn thành tốt nhiệm vụ của giảng viên. Thầy Hướng cũng cam kết chấp hành nghiêm quy định nhà trường, cống hiến cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục.
Trước đó, ngày 31/10, một “báo cáo vi phạm liêm chính khoa học của PGS.TS Đinh Công Hướng” được gửi đến ban điều hành Quỹ Nafosted, hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted và nhiều cơ quan cùng nhiều nhà khoa học.
Theo thống kê MathSciNet (cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ), tác giả Đinh Công Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó 13 công trình đứng tên trường Đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên trường Đại học Thủ Dầu Một.
Các bài báo khoa học của ông đăng trên các tạp chí từ năm 2020 đến năm 2022 không ghi địa chỉ đơn vị công tác là trường Đại học Quy Nhơn mà lại ghi địa chỉ của 2 đơn vị khác.
Theo các nhà khoa học, đó là “biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học bị phê phán nghiêm trọng do việc mua bán bài báo quốc tế cho các đại học mới nổi”.
Ông Hướng đã xin rút tên khỏi danh sách Hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted, đồng thời gửi lời xin lỗi vì ảnh hưởng đến hội đồng.
“Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế tôi cũng chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống.
Chuyện sai đúng trong sự việc đến đâu, thật sự tôi không biết phải nói thế nào lúc này. Tùy góc độ nhìn nhận của mọi người, còn bản thân tôi rất áy náy”, ông Hướng nói trên báo Dân trí.
Lâm Ngọc