Nếu nước tiểu vẫn còn trong bàng quang sau khi đi tiểu, nó có thể dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát và gây ra một số dạng tiểu không tự chủ. Một chuyên gia đã đưa ra các bước giúp bạn cải thiện việc làm trống bàng quang và giảm thiểu những rủi ro này.
Bác sĩ Mary Garthwaite, Mary Garthwaite, chuyên về tư vấn phẫu thuật tiết niệu, Chủ tịch Hiệp hội tiết niệu The Urology Foundation (Anh), cho biết bàng quang thường được đánh giá thấp nhất trong cơ thể. Nhưng đó là cơ quan rất phức tạp, đảm nhận chức năng quan trọng là lưu trữ an toàn rồi bài tiết hiệu quả các chất thải ra khỏi cơ thể, dưới dạng nước tiểu.
Mọi người ít xem trọng bàng quang, nhưng khi nó không hoạt động bình thường, có thể gây ra những tác động đáng kể về thể chất, xã hội và tâm lý.
Dấu hiệu để nhận biết bàng quang chưa trống hoàn toàn
Không có nhiều triệu chứng rõ ràng cho thấy bàng quang vẫn còn nước tiểu, nhưng có một số dấu hiệu tinh tế sau:
Đi vệ sinh thường xuyên hơn bình thường. Điều này có thể là bạn đã không đi hết nước tiểu.
Cảm thấy như thể cần đi tiểu lại ngay. Sau khi vừa mới đi tiểu đã cảm thấy muốn đi tiếp hoặc rỉ nước tiểu sau khi đi vệ sinh.
Nhiễm trùng tiểu thường xuyên, theo chuyên gia, bệnh này khá phổ biến, gần một nửa phụ nữ từng mắc phải bệnh này. Nam giới ít gặp hơn.
Ngoài ra, vệ sinh kém, mất nước hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu cũng khiến bạn dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn, nhưng bác sĩ Garthwaite lưu ý nhiều yếu tố nguy cơ có mối liên hệ với nhau.
Nếu không làm trống bàng quang, nước tiểu bị nhiễm trùng sẽ không được thải ra ngoài khi đi tiểu, khiến nhiễm trùng trở nên khó điều trị hơn.
Nên làm gì để tránh tình trạng còn nước tiểu trong bàng quang?
Theo chuyên gia, có những bước để làm trống bàng quang đúng cách và giảm rủi ro:
Đừng vội vã. Một trong những yếu tố quan trọng để làm trống bàng quang hiệu quả là đi tiểu đủ thời gian, đừng quá vội.
“Đi tiểu 2 lần”. Mẹo đơn giản là sau khi đi tiểu xong, đếm chậm đến 10 rồi thử lại. Cách này được gọi là “đi tiểu 2 lần” và trong nhiều trường hợp sẽ đủ để làm sạch lượng nước tiểu nhỏ cuối cùng còn sót lại.
Thư giãn cơ sàn chậu và bụng. Ngoài ra, hãy thư giãn cơ sàn chậu và bụng (không cần phải rặn) và hơi nghiêng người về phía trước hoặc nâng cao chân, tất cả đều sẽ giúp làm trống bàng quang tốt hơn.