Khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng già hoá dân số đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc, đặc biệt là khu vực nông thôn khi người trẻ chủ yếu đổ lên thành phố sinh sống và làm việc.
Một chương trình thí điểm ở Thượng Hải có thể đóng vai trò là mô hình thiết lập dịch vụ chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng trên khắp Trung Quốc. (Nguồn: SCMP) |
Ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, sự cô đơn thường đồng hành với những người tuổi xế chiều. Không hiếm trường hợp như cụ bà Lu Fengying, 84 tuổi, người đang sống một mình trong căn nhà ở vùng quê sau khi chồng qua đời và các con đều lựa chọn sinh sống ở thành phố.
Mô hình thí điểm cho người già neo đơn
Giống như nhiều người cao tuổi về hưu khác, bà Lu có thể tự chăm sóc bản thân và không muốn chuyển lên sống cùng con cháu hay chuyển đến một viện dưỡng lão xa xôi. Tuy nhiên, kể từ khi ngôi làng của bà được chính phủ Trung Quốc lựa chọn để thí điểm mô hình chăm sóc người già, bà đã tìm thấy sự chia sẻ quý giá từ cộng đồng những người đồng cảnh.
“Tôi rất hạnh phúc khi sống ở đây. Chúng tôi biết rõ về nhau, thường cùng nhau chơi mạt chược”, bà Lu hào hứng chia sẻ về tổ ấm mới của 5 người phụ nữ, tất cả đều trên 80 tuổi, sống cùng làng, mới chuyển đến vào mùa Hè năm nay.
Chỗ ở mới của bà Lu và 5 người đồng cảnh có hai tầng, được thiết kế đơn giản với 5 phòng riêng biệt, vốn cải tạo từ ngôi nhà cũ của một người dân khác trong làng, chỉ cách nhà bà Lu vài trăm mét. “Sẽ có 2 phụ nữ trong làng ở độ tuổi 50 đảm trách phần dọn dẹp và nấu ăn”, Bí thư đảng uỷ Ye, người quản lý, điều hành mô hình thí điểm tại làng Xinsi chia sẻ.
Làng Xinsi nằm ở quận Fengxian, thành phố Thượng Hải – một trong những đô thị có tốc độ già hóa nhanh nhất Trung Quốc, nơi người dân có tuổi thọ trung bình hơn 83 tuổi, theo số liệu chính thức được công bố năm 2022. Người dân Thượng Hải cũng có tuổi thọ trung bình cao hơn so với toàn quốc là 77,93.
Bà Lu cho biết, chi phí tại nơi ở mới khoảng 50 NDT (6,83 USD) mỗi ngày và số tiền lương hưu của bà gần đủ trang trải. Mức lương hưu cơ bản hàng tháng mà người dân khu vực vùng ven Thượng Hải nhận được khoảng 1.400 NDT/tháng, kèm theo một khoản phụ trội không đáng kể dựa trên đóng góp của họ trước khi nghỉ hưu.
Đối với bà Lu, với mức lương hưu ít ỏi, việc chi trả cho một cơ sở chăm sóc người già như hiện tại là hoàn toàn phù hợp. “Tôi rất thích cuộc sống nơi đây. Tôi không cần phải học cách hoà hợp với những người xa lạ nếu đến ở trong viện dưỡng lão, ngoài ra các con tôi cũng không cần phải lo lắng cho mẹ”, bà nói.
Ông He Xuefeng, Hiệu trưởng Trường Xã hội học thuộc Đại học Vũ Hán, chuyên gia nghiên cứu về phát triển khu vực nông thôn khẳng định, người dân ở các vùng quê phần lớn không muốn rời khỏi làng xã và cắt đứt quan hệ với những bạn bè, làng xóm xung quanh.
“Mô hình chăm sóc người cao tuổi ngay tại các làng quê cung cấp những điều kiện cơ bản cho họ mà không phải rời xa người quen, bạn bè, giúp họ và gia đình yên tâm hơn. Tiện lợi và giá cả phải chăng, theo tôi mô hình này cần được nhân rộng trên khắp cả nước”, ông He Xuefeng đánh giá.
Ông He Xuefeng cũng cho rằng, mặc dù cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng việc điều trị cho những người già bị bệnh nặng nhưng “có thể giải quyết 80 đến 90% vấn đề trong việc chăm sóc người cao tuổi ở khu vực nông thôn”.
Được biết, mô hình thí điểm hiện không dành cho người bệnh hoặc người khuyết tật do thiếu các thiết bị y tế cao cấp, nhưng các bác sĩ trong làng sẽ kiểm tra sức khoẻ thường xuyên cho những người cao tuổi.
Zhu Qin, chuyên gia về già hóa dân số tại Trường Chính sách công và Phát triển Xã hội thuộc Đại học Phúc Đán đồng tình và cho rằng, mô hình đang được thí điểm tại làng Xinsi mang tính đổi mới và rất phù hợp với vùng nông thôn Trung Quốc, dù vậy việc thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe lâu dài là một vấn đề cần lưu tâm.
“Mục tiêu cuối cùng của việc chăm sóc người cao tuổi cũng giống như cung cấp nhiên liệu trong cơn bão tuyết chứ không đơn thuần là thêm kem vào bánh”, ông Zhu Qin so sánh.
Thách thức về an sinh xã hội
Khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng già hoá dân số đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc, đặc biệt là khu vực nông thôn khi người trẻ chủ yếu đổ lên thành phố sinh sống và làm việc.
Trong khi đó, trong nhiều thập kỷ, tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc vẫn không thay đổi – 60 đối với nam, 55 đối với nữ làm văn phòng và 50 đối với nữ giới lao động phổ thông. Kế hoạch nâng độ tuổi đã được thảo luận trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có công bố chính thức.
Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị Trung Quốc là vấn đề đáng lo ngại. So với mức lương trung bình hàng tháng hơn 12.000 NDT của người lao động thành thị, lương của người nghỉ hưu vùng nông thôn Thượng Hải tương đối ít ỏi, dao động tầm 1500-2000 NDT. Lương hưu ở khu vực thành thị Thượng Hải gấp đôi so với khu vực nông thông, dao động ở mức 3.000 NDT.
Theo cuộc điều tra dân số quốc gia năm 2020, khoảng 17,7% dân số nông thôn Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên, so với 11,1% ở khu vực thành thị. Cứ 100 người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 thì có 28 người cao tuổi cần hỗ trợ ở khu vực nông thôn, so với 16 người ở thành phố.
Về chế độ an sinh xã hội, không giống như người lao động ở thành thị, người dân nông thôn Trung Quốc theo chế độ bảo hiểm hoàn toàn khác, được tùy chọn, rẻ hơn và chủ yếu được hỗ trợ bởi hệ thống tài chính công.
Dù vậy, theo số liệu chính thức, với thực trạng kinh tế khá cách biệt giữa khu vực nông thôn và thành thị, chính sách an sinh xã hội cùng nhiều chính sách khác không đồng đều đã tạo nên “cấu trúc kép” đáng kinh ngạc ở Trung Quốc. Theo đó, thu nhập khả dụng trung bình của cư dân nông thôn vẫn chỉ bằng 40% thu nhập ở thành thị vào năm ngoái.
Cụ bà Lu Fengying, 84 tuổi tại nơi ở mới ở làng Xinsi, nơi bà đang sống cùng những người già neo đơn đồng cảnh. (Nguồn: SCMP) |
Cai Fang, chuyên gia nhân khẩu học và học giả của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc bình luận, phúc lợi công cộng cần phải bình đẳng hơn, bao gồm cả chế độ lương hưu ở nông thôn, đồng thời kêu gọi chế độ bảo hiểm cho tất cả người dân, bất kể họ có đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội hay không và phải tăng dần.
Với Thượng Hải, mô hình thí điểm tại ngôi làng Xinsi chỉ là bước khởi đầu. Nếu hoạt động tốt, mô hình tiếp tục được nhân rộng vào năm tới tại 3 ngôi làng lân cận và dự kiến phủ sóng tất cả các ngôi làng khác trong vòng 3 năm tới.
“Việc xây dựng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi diễn ra tương đối nhanh chóng, nhưng việc đưa các ý tưởng thành hiện thực cần một quá trình lâu dài”, ông Ye cho hay.
Bên cạnh đó, làm sao để mô hình này trở thành một lựa chọn khả thi và tiếp tục được triển khai rộng rãi, đặc biệt ở những khu vực nghèo hơn. Theo các chuyên gia xã hội học, về lâu dài, kế hoạch khả thi là khuyến khích người dân chuyển quyền sở hữu tài sản cho chính quyền địa phương để chính quyền cho bên thứ ba thuê. Được coi là sở hữu tập thể, tài sản ở vùng nông thôn chỉ có thể được mua bán giữa những người dân trong cùng một làng, theo luật pháp Trung Quốc.
“Người cao tuổi sẽ được miễn phí khi đến nơi ở mới và hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Ngoài ra, họ vẫn nhận được một phần tiền thuê từ ngôi nhà cũ”, ông Ye nói.
Tuy nhiên, theo ông Ye, nhiều người cao tuổi không hào hứng với việc di chuyển, khiến sáng kiến này khó thu hút được sự chú ý. “Hầu hết người cao tuổi đều cảm thấy không ổn nếu rời xa ngôi nhà của mình. Cần phải có thời gian để họ thay đổi suy nghĩ”, ông Ye phân tích.