Suốt hơn 60 năm qua, quán bún chả của gia đình chị Cao Thị Thu Hà (40 tuổi) nằm trong khu chợ Vườn Chuối là địa điểm quen thuộc của nhiều thế hệ thực khách. Bà chủ luôn nhiệt tình, vui vẻ mỗi khi khách ghé thưởng thức món bún chả do chính mình làm.
Khách đến trễ là hết
Khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi ghé vào hẻm 116 đường Vườn Chuối (P.4, Q.3), nơi có nhiều hàng quán tấp nập. Ở cuối hẻm, quán bún chả gia đình chị Hà nghi ngút khói.
Bước vào quán, điều khiến chúng tôi ấn tượng là mùi thịt nướng thơm phức tỏa ra từ lò than. Các ghế được xếp thành vòng tròn quanh khu bếp tạo cảm giác ấm cúng. Mặc dù khách đến đông nhưng chị Hà vẫn cẩn thận, tỉ mẩn chuẩn bị những phần ăn tâm huyết nhất đến các thực khách.
Thịt được kẹp bằng những que tre và nướng trên than hồng. Cách làm này khác với những quán tôi từng ăn qua, nướng bằng vỉ hoặc lò điện. “Thịt được nướng trên than nóng vào buổi chiều chín khoảng 60%, đến sáng ai mua thì nướng lại cho nóng. Quán có 2 loại thịt: thịt ba chỉ và thịt xay đều xiên vào que tre. Thịt xiên có trộn thêm thịt mỡ và một chút thịt bò”, chị cho hay.
Quán mở bán 6 giờ sáng, đến khoảng 8 giờ là hết. Khách đông nên vợ chồng chị làm không kịp nghỉ tay. Khách đến đây không chỉ vì món ngon, hương vị quen thuộc còn bởi sự nhiệt tình, vui vẻ của chị chủ. Một mẹt bún chả có giá 40.000 đồng gồm 2 xiên thịt, rau, bún và canh dọc mùng ăn kèm.
Anh Trần Minh Thông (23 tuổi, Q.3) biết đến quán qua mạng xã hội cho hay: “Bún chả ở đây có vị khác biệt thịt mềm, vừa ăn hơn nhiều quán khác, đặc biệt được để trong một cái mâm giống miền Bắc, trông rất đẹp mắt. Canh dọc mùng ăn kèm ngon, lạ, không quán nào có. Chủ quán nhiệt tình, dễ thương”.
Con dâu nối nghiệp 3 đời
Chị Hà cho biết tất cả các nguyên liệu chị tự tay chế biến để giữ sự tươi ngon và sạch sẽ. Có lẽ vì sự tâm huyết của chị mà mọi thứ trong quán đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, khách đến ăn đầu gật gù “ưng bụng”.
Tâm sự với chúng tôi, chị cho biết khách của quán chủ yếu là khách quen 3 đời, quán ăn được bà ngoại chồng là người gốc Bắc mở trước năm 1970. Chị được mẹ chồng truyền lại những kinh nghiệm chế biến món bún chả Hà Nội từ cách ướp thịt, nướng thịt, làm nước chấm… Từ công thức gia truyền chị có thay đổi một chút để phù hợp với khẩu vị của mọi người. Nhiều khách quen lâu đời thường gọi quán bằng cái tên thân thương là “Bún chả cô Tuyết”, được biết cô Tuyết là mẹ chồng chị Hà.
Không muốn món ăn gắn bó với mẹ mình bị lãng quên, chị Hà quyết định mở quán duy trì và phát triển những gì mà mẹ và bà ngoại tâm huyết. Đồng thời, đây cũng là cách chị giúp những người con xa xứ được thưởng thức món ăn đậm vị quê nhà giữa TP.HCM.
“Nhiều cô chú dù ở xa nhưng sáng nào cũng ghé quán tôi ăn vì nhớ hương vị xưa. Tôi thích được trò chuyện với mọi người nên đã xếp ghế quanh bếp. Nhiều người có con cái đi làm không ai nói chuyện thì tới quán vừa ăn vừa nói chuyện rất vui”, chị Hà tâm sự.
Một người “khách ruột” đã ăn ở quán hơn 50 năm chia sẻ: “Tôi ăn ở đây từ thời bà ngoại chồng cô Hà là bà Dung bán, từ lúc còn dùng các mẹt tre. Tôi từ đường Hoàng Văn Thụ phải dậy sớm để chạy xuống ăn. Ăn xong còn có một chén nước vối để uống, tôi chưa tìm thấy chỗ nào có”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thành (35 tuổi, Q.3) cho rằng hương vị là một trong những “bí kíp” của quán níu chân anh suốt gần chục năm qua. “Tôi ăn bún chả ở đây rồi, thì ăn chỗ khác thấy cái vị nó không hợp bằng. Bún chả thấy chỗ này vị lạ lắm, ngon mà không bỏ được. Tôi thường giới thiệu cho bạn bè tới quán ăn”, anh Thành nói.
Chị Hà tin rằng khi nấu ăn bằng cái tâm, bằng tình yêu dành cho món ăn và cho khách, chắc chắn khách ăn sẽ cảm nhận được. Cũng có thể, đó là cái duyên buôn bán của bà, của mẹ. Chị tự hào rằng quán ăn gia đình mình là chốn tới lui của nhiều thế hệ thực khách, có người ăn từ hồi nhỏ xíu, nay lớn lên, đã lập gia đình vẫn ghé lại ăn.