Bác sĩ ở bệnh viện địa phương chẩn đoán tôi bị bàng quang kích thích chưa rõ nguyên nhân, khuyên lên tuyến trên đo áp lực đồ bàng quang.
Phương pháp này là gì, có tác dụng thế nào? (Nguyễn Văn Trung, 56 tuổi, Vĩnh Long)
Trả lời:
Đo áp lực đồ bàng quang hay đo niệu động học là các xét nghiệm dùng để khảo sát chức năng bàng quang. Xét nghiệm này dùng để đo khả năng chứa đựng và tống xuất nước tiểu của bàng quang. Xét nghiệm cũng giúp kiểm tra tình trạng rò rỉ hay không tống xuất được hết nước tiểu của bàng quang.
Đo áp lực đồ bàng quang thường được thực hiện khi người bệnh có các vấn đề rối loạn tiểu, nhất là tiểu không kiểm soát; hoặc các bệnh đường tiết niệu ở phụ nữ do tuổi tác, có thai, sinh con và mãn kinh, nam giới mắc bệnh tuyến tiền liệt, thần kinh – cột sống.
Các triệu chứng gồm rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi, cười hay tập thể dục; mắc tiểu thường xuyên, đột ngột; tiểu đêm; tiểu không hết nước trong bàng quang; nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát.
Kết quả xét nghiệm có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân anh có các triệu chứng đường tiểu, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu.
Người bệnh cần nhịn tiểu trong một giờ trước khi thực hiện đo niệu động học, nhưng không cần nhịn ăn hay ăn kiêng. Phương pháp này được thực hiện trong khoảng 30-45 phút, không gây đau, chỉ hơi khó chịu. Người bệnh có thể tự đi xe về ngay sau khi hoàn thành xét nghiệm.
Để thực hiện, người bệnh đi tiểu trong một bồn cầu đặc biệt nhằm đo lường tốc độ bàng quang tống xuất nước tiểu. Người bệnh cũng có thể được siêu âm sau khi đi tiểu để đánh giá lượng nước tiểu tồn lưu.
Điều dưỡng đặt một ống thông có cảm biến vào bàng quang (thông qua niệu đạo) để đo áp lực trong bàng quang khi làm đầy với nước muối sinh lý. Một ống thông khác có cảm biến cũng được đặt trong trực tràng (hậu môn).
Trong quá trình này, người bệnh được hỏi về cảm giác bàng quang và thực hiện một số hành động làm khởi phát các vấn đề đang gặp như ho, rặn…, cho nhân viên y tế biết khi nào bàng quang đầy.
Cuối cùng, người bệnh đi tiểu một lần nữa khi hai cảm biến vẫn ở trong bàng quang và trực tràng, sau đó rút các cảm biến này ra và hoàn tất xét nghiệm.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên
Trưởng đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM