- Kon Tum: 2 dự án thủy điện bị thu hồi sau nhiều năm không thi công
- Thủ tướng yêu cầu kiểm tra dự án thủy điện chậm tiến độ ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân
- Quảng Nam triển khai nhiều mô hình sinh kế hiệu quả cho người dân lưu vực các hồ thủy điện
Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là 5.318 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa).
Đây là công trình đa mục tiêu lớn nhất Nghệ An, sức chứa 225 triệu m3 nước. Hồ vừa cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, phục vụ tưới tiêu đất nông nghiệp cho 18.871 ha cây trồng ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa và 3 xã của huyện Anh Sơn; Cấp nước về sông Cả vào mùa hạn, cắt giảm lũ vào mùa mưa cho hạ du sông Hiếu đồng thời kết hợp phát điện với công suất 45MW, cũng như phát triển du lịch. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng công trình, chỉ chờ giải phóng mặt bằng lòng hồ là chặn dòng, tích nước, phát huy hiệu quả Dự án.
Dự án nằm trên đất Nghệ An nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của 119 hộ dân với 430 nhân khẩu ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bởi, khi dự án tích nước lên cao trình +78,9m cả thôn Thanh Sơn với diện tích 702,6 ha gồm nhà cửa, ruộng vườn, đất sản xuất nông nghiệp… sẽ chìm trong nước, buộc phải di dời tái định cư.
Thế nhưng đến nay sau gần 15 năm thực hiện Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng, 119 hộ dân ở thôn Thanh Sơn vẫn chưa thể an cư, đi chưa được, mà ở lại thì cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn thiếu thốn đủ đường từ đường sá đi lại, cơ sở vật chất phục vụ cộng đồng, các phúc lợi xã hội…
Ông Hà Văn Giới, Trưởng thôn Thanh Sơn cho biết: “Từ trung tâm xã về thôn chỉ có một con đường duy nhất dài hơn 20km, trong đó đoạn đường đất dẫn vào thôn thường xuyên bị hư hỏng. Cả thôn có tới 7 điểm suối tràn chảy qua, những điểm này ngân sách địa phương không được đầu tư xây dựng kiên cố do vướng dự án hồ thủy lợi Bản Mồng. Để có đường đi, chúng tôi đã làm những cây cầu tạm bằng tre nứa, mảnh ván nhưng mỗi đợt mưa lũ lên bị nước cuốn trôi hoặc sử dụng được một thời gian là hỏng và rất mất an toàn, thôn thường xuyên bị cô lập với bên ngoài. Đã có trường hợp người dân đi qua suối vì mất an toàn mà tử vong. Cũng vì đường xa, đi lại khó khăn nên học sinh cấp 2 phải ở lại bán trú, ngày nghỉ vào đợt mưa lũ muốn về nhà cũng đành chịu. Học sinh khối mầm non, tiểu học thì học tại thôn nhưng trường học cũng đã xuống cấp vì không được đầu tư, cải tạo. Trong thôn không có cán bộ y tế cơ sở, người dân ốm đau đột xuất có đợt phải làm bè vượt sông suối để về trung tâm y tế xã, huyện chữa trị.
Thôn Thanh Sơn có trên 95% dân số là người Thái, gần một nửa hộ dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào vài thửa ruộng, trồng một vài loại cây ngắn ngày. Người dân không phải không có ý chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhưng nhiều gia đình muốn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo cũng chẳng dám triển khai, họ lo sợ vừa đầu tư xong lại phải chuyển đến nơi ở mới…”- ông Giới chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: “Thôn Thanh Sơn là thôn đặc biệt khó khăn của huyện, người dân cũng rất mong muốn sớm về nơi tái định cư mới để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Ở nơi cũ, dù ngân sách của tỉnh, huyện có cũng không thể đầu tư bởi chưa biết cụ thể khi nào dự án tái định cư triển khai. Nếu đầu tư xây dựng mà chỉ sử dụng một thời gian ngắn, người dân phải di dời sẽ rất hoang phí. Người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh, lên Trung ương hay tại các kỳ tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội với mong muốn sớm được di dời về nơi tái định cư, ổn định đời sống…”- ông Tuất nói.
Trước thực trạng trên, ngày 31/10, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng về tình hình thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1 và các dự án đầu tư bằng nguồn vốn của Bộ NN&PTNT trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân, được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bổ sung vào dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 2464/QĐ-BNN-XD, ngày 27/6/2019.
Về quy mô hợp phần: Dự án thực hiện việc đầu tư xây dựng khu tái định cư 119 hộ dân với 430 nhân khẩu của bản Thanh Sơn, thực hiện việc hỗ trợ, đền bù đất đai, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc bị ảnh hưởng trong vùng lòng hồ và khu tái định cư; thực hiện công tác trồng rừng thay thế cho 586,45 ha. Về kinh phí, dự kiến tổng mức đầu tư của hợp phần hơn 516,7 tỷ đồng, bao gồm 3 nội dung công việc chính là: Phần bồi thường, hỗ trợ nơi đi và nơi đến; đầu tư xây dựng tái định cư và trồng rừng thay thế.
Tuy nhiên, dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Đối với việc trồng rừng thay thế, hiện tỉnh Thanh Hóa không còn đủ quỹ đất để thực hiện trồng hơn 1.651 ha rừng thay thế cho diện tích 586,45 ha rừng khu vực ngập lòng hồ (nơi đi) đã được Quốc hội chấp thuận chủ trương chuyển mục đích tại Nghị quyết số 135/2020/NQ14, ngày 17/11/2020. Mặt khác, toàn bộ 586,45 ha rừng thuộc khu vực lòng hồ nếu chưa được quy hoạch là đất thủy lợi thì chưa đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án theo quy định tại Điều 19, Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Đối với việc hỗ trợ, đền bù và tái định cư, với quỹ thời gian còn 2 năm, rất khó để hoàn thành các công việc của hợp phần. Bên cạnh đó, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất như đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, chưa có cơ sở điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu đất thủy lợi để thực hiện dự án.
Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cân đối diện tích để di dân tái định cư cũng như diện tích để chặn dòng mở rộng lòng hồ theo thiết kế, sớm hoàn tất các thủ tục để ký thỏa thuận cân đối diện tích phục vụ dự án. Sau khi hoàn tất các hạng mục theo yêu cầu, Bộ NN&PTNT có phương án báo cáo Chính phủ hoàn trả diện tích theo quy định. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa cân đối diện tích khoảng 200 ha trước ngày 15/11/2023 để chặn dòng thực hiện dự án.