“Bối cảnh thay đổi chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng: Tác động của công nghiệp 4.0 tại Việt Nam” là nghiên cứu hợp tác được thực hiện bởi các nghiên cứu viên từ RMIT Việt Nam gồm Phó giáo sư Seng Kiat Kok, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng và Tiến sĩ Abel Duarte Alonso, cùng Tiến sĩ Reza Akbari – nghiên cứu viên đến từ Đại học James Cook.
Nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết giá trị về mức độ áp dụng và đầu tư hiện tại vào các công nghệ của công nghiệp 4.0 trong các chuỗi cung ứng ở Việt Nam.
Theo nhóm chuyên gia, công nghiệp 4.0 có một số lợi ích và lợi thế trong việc cải tiến vận hành và chuỗi cung ứng, không chỉ về hiệu suất mà còn về hiệu quả tổng thể.
Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, IoT, blockchain và phân tích dữ liệu lớn được dự báo mang lại tiềm năng thay đổi cho các công ty chuỗi cung ứng, cải thiện đáng kể vận hành bằng cách tinh giản quy trình, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và nâng cao năng lực ra quyết định.
“Bằng cách nắm bắt và ứng dụng những công nghệ này, các công ty có thể đạt được mức hiệu quả cao hơn, giảm chi phí và đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 khá chênh lệch giữa các ngành và tổ chức”, nhóm nghiên cứu viên khuyến nghị.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy, trí tuệ nhân tạo được ghi nhận có tác động dự đoán cao nhất (61%), giúp cải thiện không chỉ hiệu suất của các nhiệm vụ, mà còn giảm sự thiếu hiệu quả và thay thế công việc thủ công. Một trong những khả năng của công nghệ này là tăng doanh số bán hàng.
Hơn thế, trí tuệ nhân tạo còn có khả năng tạo thêm công việc, trái ngược với suy nghĩ thường thấy rằng trí tuệ nhân tạo là mối nguy làm mất việc làm, chứ không phải tạo ra việc làm trong quá trình chuyển đổi số.
Theo sau trí tuệ nhân tạo là IoT, có tác động tích cực được dự đoán là 22%. Việc quản lý thời gian theo thời gian thực các hoạt động vận hành và chuỗi cung ứng, dự báo bảo trì và dự đoán tiềm năng là những khía cạnh được xem là quan trọng của công nghệ này.
Phân tích dữ liệu lớn cũng được xem là yếu tố thay đổi cuộc chơi, không chỉ về tiềm năng dự đoán mà còn trong việc phát triển phân khúc khách hàng và từ đó, phát triển marketing mục tiêu, hiểu biết kinh doanh mới và nhận diện các cơ hội kinh doanh mới.
Cùng với tác động mà những công nghệ tiên tiến này có thể mang lại cho ngành chuỗi cung ứng, nhóm nghiên cứu còn xem xét đến khối lượng đầu tư như một chỉ số về tiềm năng áp dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0.
Robot tiên tiến ở mức 31%, được ghi nhận là công nghệ có khối lượng đầu tư cao nhất, đặc biệt chú trọng vào giáo dục và đào tạo phi chính thức, bổ sung; tiếp theo sau là việc thuê các chuyên gia.
Trí tuệ nhân tạo và xe tự hành (AVs) được ghi nhận xu hướng đầu tư tương tự nhau ở mức 12% cho mỗi công nghệ, trong đó trí tuệ nhân tạo tập trung vào phát triển kỹ năng và kiến thức, còn AVs chú trọng hơn đến các chiến lược vận hành để tiết kiệm chi phí nhiên liệu, lái xe và giảm ô nhiễm.
Hai lĩnh vực có tỷ lệ đầu tư đáng kể là blockchain (34%) và IoT (33%), nơi tiền đầu tư được dùng vào đào tạo kỹ năng, phát triển kiến thức và quan hệ hợp tác, cho thấy lối đi tiềm năng để sử dụng các công nghệ này trong tương lai.
Ngoài ra, còn có các liên kết mạnh mẽ giữa những công nghệ nhất định, chẳng hạn IoT với in 3D và IoT với robot, cho thấy có thể hiệp lực bằng việc kết hợp IoT với những công nghệ này trong lĩnh vực sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.
Bằng cách tận dụng sức mạnh của IoT để thúc đẩy các công nghệ khác, doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu quả, giảm chi phí và đạt được kết quả tổng thể tốt hơn.
Đáng chú ý là tác động dự đoán của công nghệ không phải lúc nào cũng giống với khoản đầu tư dự đoán sẽ dành cho công nghệ. Trong số những công nghệ, các chuyên gia chuỗi cung ứng của Việt Nam dự đoán rằng AR/VR (thực tế ảo tăng cường/thực tế ảo), blockchain và xe tự hành sẽ ít tạo được ảnh hưởng trong thập kỷ tới, do vậy sẽ nhận được ít đầu tư nhất.
Nghiên cứu viên và Giám đốc cấp cao phụ trách sinh viên của RMIT Việt Nam, Phó giáo sư Seng Kiat Kok nhấn mạnh: Điều thấy rõ ràng từ kết quả nghiên cứu là ngành chuỗi cung ứng đã huy động và ưu tiên các công nghệ họ thấy tiềm năng và có cơ hội nhất cho tương lai.
Sự phức tạp vốn có trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong cơ sở hạ tầng cần thiết cho từng công nghệ tạo ra vô số quan ngại cần phải giải quyết trước khi hiện thực hóa được toàn bộ lợi thế của chúng.
“Điều này nhấn mạnh đến sự cần thiết phải lập kế hoạch toàn diện, quan hệ đối tác chiến lược và đầu tư vào phát triển kỹ năng để tận dụng hiệu quả lợi ích của các công nghệ Công nghiệp 4.0 trong vận hành chuỗi cung ứng”, Phó giáo sư Seng Kiat Kok cho hay.